Nhận diện thuốc giả thế nào?

Tuấn Nguyễn, icon
09:41 ngày 20/05/2025

bangdatally.xyz - Trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò chủ động của người dân.

Ảnh minh họa: Pixels

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, TP Hồ Chí Minh đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm siết chặt quản lý, nâng cao hiệu quả giám sát và bảo vệ sức khỏe người dân.

Hàng loạt vi phạm bị phát hiện và xử lý

Xác định việc kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược là nhiệm vụ then chốt, trong năm 2024, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra 174 cơ sở bán buôn thuốc, 344 cơ sở bán lẻ thuốc và 40 cơ sở kinh doanh dược liệu. Qua đó, cơ quan chức năng đã ban hành 151 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý 147 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 7 tỷ đồng.

thuoc gia.jpg

Thuốc giả từng bị phát hiện trong các đợt kiểm tra của các lực lượng chức năng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đội QLTT số 2 TP Hồ Chí Minh

Các vi phạm phổ biến trong kinh doanh thuốc bao gồm:

- Kinh doanh không đúng phạm vi cho phép

- Mua bán thuốc từ các cơ sở không đủ điều kiện.

- Lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc.

- Không theo dõi hoạt động mua - bán thuốc theo quy định, đặc biệt là thuốc phải kiểm soát đặc biệt và dược liệu, vị thuốc cổ truyền không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Phòng Y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng đã kiểm tra hơn 6.700 cơ sở bán lẻ thuốc. Trung tâm Kiểm nghiệm thành phố lấy mẫu kiểm tra chất lượng tại 149 cơ sở, phát hiện 15 mẫu thuốc không đạt chất lượng.

Nhiều vụ thuốc giả bị phát hiện và chuyển cơ quan công an

Trong quá trình thanh tra, Sở Y tế đã phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả theo cảnh báo của Cục Quản lý Dược. Thêm vào đó, từ phản ánh của người dân, một nhà thuốc khác cũng bị phát hiện kinh doanh thuốc giả và đã được chuyển hồ sơ sang Công an TP Hồ Chí Minh để xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng bộ nhiều biện pháp từ chỉ đạo đến hành động thực tế

Trước tình hình thuốc và thực phẩm chức năng giả ngày càng tinh vi, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát chất lượng thuốc. Trong đó đáng chú ý là 6 công văn liên tiếp từ giữa tháng 4 đến tháng 5/2025, yêu cầu rà soát việc kinh doanh thuốc kê đơn, thuốc có kiểm soát đặc biệt, cảnh báo thuốc giả và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

Ngay trong tháng 5/2025, Sở Y tế cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức cao điểm thanh – kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược, tập trung vào nhóm nguy cơ cao như các cơ sở kinh doanh thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng.

Trong bối cảnh tình trạng sản xuất và kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng diễn biến phức tạp, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí những ngày gần đây, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ông Tăng Chí Thượng, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược trong việc kịp thời phát hiện và ngăn ngừa hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả.

Ông cũng kêu gọi người dân chỉ nên mua thuốc, thực phẩm chức năng và sữa tại các cơ sở được cấp phép, tránh mua hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là hàng hóa quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Đồng thời, ông khuyến khích người dân phản ánh đến các cơ quan chức năng khi phát hiện những tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả để kịp thời kiểm tra và xử lý theo quy định

Tăng cường giám sát từ tuyến cơ sở

Các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh thuốc, Trung tâm Kiểm nghiệm và Phòng Y tế địa phương đều được yêu cầu rà soát danh mục thuốc, thực phẩm chức năng hiện đang sử dụng, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và xây dựng quy trình mua bán nhằm đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Đồng thời, công tác lấy mẫu kiểm nghiệm thuốc có nguy cơ và báo cáo nhanh các trường hợp phát hiện vi phạm chất lượng sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đặc biệt với các sản phẩm có dấu hiệu chứa chất cấm hoặc pha trộn dược chất trái phép.

Kêu gọi người dân cùng hành động

Trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò chủ động của người dân. Người tiêu dùng được khuyến cáo nên chỉ mua thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở được cấp phép, tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Đồng thời, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, cần nhanh chóng phản ánh tới cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, ngăn chặn từ gốc.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành và sự chung tay của cộng đồng, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ đẩy lùi vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, góp phần xây dựng môi trường y tế minh bạch, an toàn và vì sức khỏe nhân dân.

Nhận diện thuốc giả thế nào? - Ảnh 4.

Bạn hãy lưu ảnh này để khi cần thì tra cứu, so sánh khi đi mua thuốc!

Những dấu hiệu thường gặp giúp nhận biết thuốc giả mà người dân cần đặc biệt lưu ý:

1. Bao bì bất thường

Màu sắc, chất liệu, chữ in trên vỏ hộp hoặc vỉ thuốc bị mờ, nhòe, sai chính tả.

Không có tem chống giả, tem bị bóc dán lại hoặc không đồng nhất giữa các hộp.

Thiếu thông tin bắt buộc như: số đăng ký, ngày sản xuất, hạn dùng, nhà sản xuất, mã vạch.

2. Nguồn gốc không rõ ràng

Không có hóa đơn, chứng từ khi mua thuốc.

Nhãn mác không ghi rõ nơi sản xuất hoặc ghi sai tên cơ quan quản lý (ví dụ: ghi "Bộ Y Tế" thay vì "Bộ Y tế").

3. Giá rẻ bất thường

Giá bán thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, đặc biệt là thuốc đặc trị hoặc thuốc ngoại nhập.

4. Hình dạng, mùi vị lạ

Viên thuốc bị chảy nước, biến màu, vỡ vụn hoặc có mùi hôi khác thường.

Dạng bào chế không đồng đều, viên thuốc to – nhỏ khác nhau.

5. Tác dụng không rõ ràng hoặc có phản ứng bất thường

Không có hiệu quả điều trị sau khi sử dụng đúng liều.

Gây ra phản ứng phụ lạ như mẩn ngứa, chóng mặt, khó thở (ngoài cảnh báo của thuốc thật).

6. Không tra được trên hệ thống

Mã số đăng ký, số lô sản xuất không có trên hệ thống tra cứu của Cục Quản lý Dược: https://drugbank.vn


Lưu ý dành cho người tiêu dùng:

Chỉ mua thuốc tại các nhà thuốc đạt chuẩn GPP, có giấy phép kinh doanh.

Yêu cầu hóa đơn, chứng từ khi mua các thuốc đắt tiền hoặc sử dụng lâu dài.

Không tự ý mua thuốc theo quảng cáo trên mạng xã hội, YouTube, TikTok…

Khi nghi ngờ thuốc giả, ngừng sử dụng và mang đến cơ sở y tế để kiểm tra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục