Trong những tuần gần đây, một làn sóng lo ngại mới về COVID-19 đang dấy lên tại Đông Nam Á khi số ca mắc mới có dấu hiệu gia tăng tại nhiều quốc gia. Mặc dù chưa chạm đến mức báo động như các đợt dịch trước đây, nhưng giới chức y tế khu vực không chủ quan, đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó nhằm phòng ngừa khả năng bùng phát dịch trên diện rộng, đặc biệt trong bối cảnh biến thể JN.1 - một biến thể phụ của Omicron - đang lan rộng trên toàn cầu.
Malaysia siết chặt giám sát và cảnh báo sớm
Theo Bộ Y tế Malaysia (MOH), trung bình mỗi tuần nước này ghi nhận khoảng 600 ca nhiễm COVID-19. Dù không có ca tử vong nào liên quan tới COVID-19 từ đầu năm 2025, song nhà chức trách vẫn duy trì mức cảnh giác cao. Bộ trưởng Y tế Datuk Seri Dzulkefly Ahmad cho biết nước này tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cần báo cáo theo Luật Phòng chống dịch bệnh ban hành năm 1988.
Theo đó, toàn bộ cơ sở y tế công và tư phải thông báo kịp thời các ca nhiễm qua hệ thống điện tử của Bộ. Đồng thời, hệ thống giám sát tin đồn - vốn từng phát huy hiệu quả trong thời kỳ đỉnh dịch - cũng được tái kích hoạt để sàng lọc các báo cáo không chính thức từ người dân, truyền thông và các nguồn xác thực khác.
MOH khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi, người mắc bệnh nền, nên chủ động tiêm nhắc lại vaccine COVID-19. Ngoài ra, các cơ quan y tế địa phương được yêu cầu sẵn sàng phương án ứng phó linh hoạt, căn cứ theo đánh giá rủi ro do Trung tâm Ứng phó và Chuẩn bị Khủng hoảng Quốc gia (CPRC) thực hiện.
Theo dữ liệu từ Tuần dịch tễ học 1 - 19, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 11.727 ca mắc mới, và xu hướng ghi nhận đang giảm nhẹ. Giới chức cho rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, song không loại trừ khả năng xuất hiện đợt dịch mới.
Campuchia đẩy mạnh tiêm nhắc vaccine ngừa COVID-19
Tại Campuchia, số ca mắc mới tuy thấp nhưng có dấu hiệu quay trở lại. Theo thông báo ngày 18/5 của Bộ Y tế nước này, chỉ trong một ngày đã ghi nhận 6 ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Or Vandine trên trang Facebook cá nhân đã kêu gọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, đi tiêm nhắc lại vaccine COVID-19. "Chúng ta không thể chủ quan. Biến thể JN.1 hiện đang lưu hành tại nhiều quốc gia, và khả năng xâm nhập vào Campuchia là hoàn toàn có thể xảy ra" - bà Vandine nhấn mạnh.
Bộ Y tế Campuchia tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến người dân về biện pháp phòng ngừa theo mô hình "3 không và 3 phòng" - vốn từng được áp dụng hiệu quả trong các giai đoạn dịch cao điểm trước đây. Trong đó, nhấn mạnh 3 điều không nên làm (không lơ là, không tụ tập, không hoảng loạn) và 3 điều cần làm (rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách).
Hình ảnh do Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hình thái cấu tạo của virus corona chủng mới COVID-19 gây dịch viêm đường hô hấp cấp. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)
Singapore và Thái Lan ghi nhận ca nhiễm tăng mạnh
Singapore và Thái Lan là hai quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực trong thời gian gần đây. Bộ Y tế Singapore ước tính từ ngày 27/4 đến 3/5 có khoảng 14.200 ca mắc mới - tăng đáng kể so với những tuần trước đó.
Theo Trung tâm thông tin COVID-19 của Chính phủ Thái Lan, số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt tại Thái Lan, với tổng cộng 71.067 ca nhiễm và 19 ca tử vong được báo cáo từ ngày 1/1 đến ngày 14/5/2025.
Dữ liệu từ Cục Khoa học Y tế thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng của biến thể Omicron XEC tại Thái Lan trong tháng 1 và tháng 2 năm nay. Biến thể XEC là chủng tái tổ hợp mới xuất hiện của Omicron, lần đầu tiên được xác định tại Đức vào tháng 6/2024. Đây là giống lai của hai biến thể phụ: KS.1.1 (FLiRT) và KP.3.3 (FLuQE). XEC mang nhiều đột biến cho phép lây truyền nhanh hơn và hiện đã được phát hiện ở ít nhất 15 quốc gia trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Dữ liệu từ Mỹ, Anh và Trung Quốc cho thấy XEC lây lan nhanh hơn 84 - 110% so với các biến thể phụ Omicron khác, chiếm 10 - 20% số ca nhiễm mới ở một số khu vực.
Các triệu chứng nhiễm XEC bao gồm sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ thể, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất khứu giác hoặc vị giác, chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giới chức y tế Thái Lan cho biết nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chủ quan sau thời gian dài không có đợt dịch lớn, trong khi tỷ lệ tiêm nhắc lại vaccine tại nhiều tỉnh vẫn ở mức thấp. Chính phủ nước này đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và truyền thông phòng dịch. Giới chức y tế nước này kêu gọi công chúng tiếp tục cảnh giác, theo dõi các triệu chứng, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở những nơi đông người.
Singapore cũng đang khuyến khích người dân, đặc biệt là nhóm dễ tổn thương, tiêm nhắc lại vaccine mRNA phòng COVID-19. Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCID) nước này cho biết mặc dù phần lớn ca nhiễm hiện nay có triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có nguy cơ gia tăng nhập viện nếu dịch lan rộng.
Cảnh giác nhưng không hoảng loạn
Theo báo Guardian (Anh) ngày 15/5, nhiều chuyên gia tại Đại học Oxford và Đại học London cho rằng các chính phủ đang có xu hướng "lãng quên bài học từ đại dịch COVID-19". Họ lo ngại rằng hệ thống y tế nhiều nước đã rút giảm năng lực phản ứng và giám sát dịch tễ, trong khi SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi.
Không chỉ vậy, Trung Quốc mới đây cũng ghi nhận một chủng virus corona mới phát hiện trên loài dơi, có khả năng lây nhiễm sang người tương tự như SARS-CoV-2. Theo tờ South China Morning Post (18/5), các nhà khoa học tại Đại học Vũ Hán đã xác định một chủng virus có cấu trúc giống với nhóm sarbecovirus - họ hàng gần với virus gây ra đại dịch COVID-19 năm 2020. Dù chưa có bằng chứng cho thấy chủng này lây sang người, nhưng giới chuyên gia cảnh báo không nên coi nhẹ nguy cơ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong báo cáo cập nhật ngày 14/5 tiếp tục duy trì cảnh báo về biến thể JN.1, đánh giá đây là biến thể chiếm ưu thế toàn cầu hiện nay. WHO khuyến nghị các nước duy trì hệ thống giám sát SARS-CoV-2, tiếp tục tiêm vaccine cho nhóm nguy cơ cao, đồng thời sẵn sàng phương án phản ứng khi dịch quay trở lại.
Trước tình hình đó, các quốc gia Đông Nam Á đang chọn hướng tiếp cận thận trọng: cảnh giác nhưng không hoảng loạn, kiểm soát dịch bệnh bằng tiêm chủng, giám sát và truyền thông phòng ngừa. Đó là bài học quan trọng rút ra từ những năm dịch bệnh vừa qua, rằng COVID-19 có thể đã trở thành bệnh đặc hữu, nhưng chưa bao giờ nên bị xem nhẹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!