Tăng cường giám sát bệnh não mô cầu tại phía Nam

Mai Liên, icon
08:50 ngày 07/05/2025

bangdatally.xyz - Từ đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận 12 ca bệnh não mô cầu, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh kêu gọi đẩy mạnh giám sát, truyền thông và tiêm chủng phòng bệnh.

Hình minh họa

Ngày 6/5, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu với sự tham dự của Sở Y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2025 đến nay, khu vực phía Nam đã ghi nhận 12 ca mắc bệnh do não mô cầu - tăng 9 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, tất cả các trường hợp đều không có tiền sử tiêm vaccine phòng bệnh.

Riêng tại Đồng Nai, CDC tỉnh cho biết đã ghi nhận 3 ca bệnh từ đầu năm đến hết tháng 4. Trong đó, 2 ca đã khỏi và xuất viện, 1 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. 66 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân trong hơn 10 ngày qua chưa ghi nhận triệu chứng bất thường và đã được tư vấn sử dụng kháng sinh dự phòng.

Ngay sau khi nhận thông tin về các ca bệnh, CDC Đồng Nai đã phối hợp thực hiện điều tra, giám sát, khoanh vùng, lập danh sách tiếp xúc, hướng dẫn cách ly và sử dụng thuốc dự phòng. Đồng thời, ngành Y tế tỉnh cũng tăng cường truyền thông về tình hình dịch và khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hội nghị cũng ghi nhận các chia sẻ chuyên môn từ các đơn vị điều trị như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, góp phần cập nhật thông tin chuyên môn và phối hợp xử trí hiệu quả khi có ca bệnh xảy ra.

Phát biểu kết luận hội nghị, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, chủ động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Các cơ sở y tế cần tổ chức tập huấn nhằm đảm bảo xử trí kịp thời, chính xác, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong.

Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng bùng phát thành dịch. Mặc dù đã có kháng sinh điều trị và vaccine phòng bệnh, nhưng tỷ lệ người mang vi khuẩn trong cộng đồng mà không có triệu chứng vẫn cao - dao động từ 5% đến 25% tại vùng hầu họng, mũi.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em và người sống trong tập thể đông người, nên tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu và chú trọng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục