Giữ lại bàn tay cho người đàn ông sau sự cố nghề điện

Văn Thành, icon
05:37 ngày 05/05/2025

bangdatally.xyz - Bị bỏng điện khi đang làm việc, nam thợ điện 37 tuổi may mắn giữ được bàn tay nhờ được đưa đến viện kịp thời và điều trị sát sao tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Kiểm tra tổn thương cho bệnh nhân.

Bệnh nhân T.V.T. (37 tuổi), thợ điện chuyên nghiệp, không có tiền sử bệnh nền. Trong lúc sửa chữa hệ thống điện dân dụng, bệnh nhân bất ngờ gặp sự cố phóng điện. Bệnh nhân được đồng nghiệp đưa vào viện trong trạng thái tỉnh táo, tâm lý hoảng loạn, cánh tay phải cháy xém rõ, nhưng huyết động ổn định.

Tại Khoa Cấp cứu, bác sĩ ghi nhận vùng tổn thương tập trung ở tay phải, chưa có rối loạn nhịp tim hay ngừng tuần hoàn - hai biến chứng thường gặp ở bỏng điện nặng. Do tính chất nguy hiểm và phức tạp của bỏng điện, bệnh nhân được chuyển ngay tới Khoa Phẫu thuật tạo hình để theo dõi chuyên sâu.

TS.BS Dương Mạnh Chiến, chuyên gia vi phẫu và tạo hình cho biết: "Xét nghiệm cho thấy men cơ tăng nhẹ, chứng tỏ có hoại tử cơ bước đầu nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. Đây là tín hiệu tích cực, có thể nhờ phản xạ rút tay nhanh khi bị điện giật đã giúp hạn chế phần nào tổn thương. Tuy nhiên, với bỏng điện, tổn thương mô sâu, hoại tử và nhiễm trùng thường diễn tiến âm thầm sau vài ngày".

Bệnh nhân được theo dõi sát các chỉ số sinh hóa, lượng nước tiểu, điện tim; truyền dịch thải độc cơ và dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng. Rất may, sau quá trình điều trị tích cực, không xuất hiện dấu hiệu hoại tử sâu và không cần phẫu thuật cắt lọc mô. Hiện, bàn tay phải phục hồi tốt, dự kiến sẽ tiếp tục theo dõi phục hồi vận động sau bỏng.

TS.BS Dương Mạnh Chiến phân tích, bỏng điện hoàn toàn khác với bỏng nhiệt. Nếu bỏng nhiệt thường gây tổn thương ngoài da rõ rệt thì bỏng điện lại nguy hiểm ở chỗ phá hủy mô sâu như cơ, gân, mạch máu, thậm chí cả xương - theo đường dòng điện đi qua. Ngoài nguy cơ mất chi, người bị bỏng điện còn có thể rơi vào suy thận cấp do cơ hoại tử giải phóng myoglobin vào máu, dẫn đến sốc, nhiễm trùng huyết, hoặc tử vong nếu không được xử trí sớm.

Từ trường hợp thực tế, bác sĩ Chiến nhấn mạnh: Trong bỏng điện, phát hiện và xử trí sớm là yếu tố sống còn. Đừng chủ quan nếu bề mặt da không bị tổn thương rõ. Mọi trường hợp nghi ngờ bỏng điện đều cần được đánh giá chuyên khoa ngay lập tức.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục