Bé trai suýt thủng thực quản vì hóc xương cá ba sa

Văn Thành, icon
10:49 ngày 12/05/2025

bangdatally.xyz - Dị vật xương cá ba sa kích thước 23x23mm mắc trong thực quản suýt gây thủng thực quản ở bé trai 4 tuổi.

Hình ảnh xương cá được gắp ra ngoài.

BSCKII. Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, khoa vừa nội soi thành công, gắp ra dị vật là mảnh xương cá lớn khỏi thực quản một bệnh nhi nam 4 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, theo lời kể của người nhà, bệnh nhi được cho ăn cơm với cá ba sa. Dù đã lọc kỹ xương nhưng vẫn sót lại một đoạn xương vây. Bé không may nuốt phải dị vật và có dấu hiệu đau cổ, khó chịu khi ăn uống. Gia đình lập tức đưa bé đến bệnh viện địa phương và sau đó được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại đây, qua các kết quả chụp X-quang và CT-scan, các bác sĩ phát hiện dị vật dài 23mm, rộng 23mm, có đầu nhọn, đang mắc kẹt trong thực quản và gây phù nề, viêm niêm mạc. Bệnh nhi được chỉ định nội soi cấp cứu để gắp dị vật.

May mắn, cuộc can thiệp thành công và bệnh nhi được theo dõi thêm hai ngày trước khi xuất viện trong tình trạng ổn định.

Theo bác sĩ Thủy, hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt nguy hiểm nếu dị vật có đầu nhọn hoặc tính ăn mòn như xương, tăm, pin cúc áo, nam châm… "Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, dị vật có thể gây thủng thực quản, loét hoặc thậm chí dẫn đến nhiễm trùng trung thất, đe dọa tính mạng", bác sĩ cảnh báo.

Bác sĩ Thủy cho biết việc xử trí dị vật còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: độ tuổi của trẻ, loại và kích thước dị vật, vị trí mắc trong đường tiêu hóa, thời gian từ lúc nuốt đến khi phát hiện và các triệu chứng lâm sàng đi kèm.

"Khoảng 80-90% dị vật tiêu hóa có thể tự đào thải qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, vẫn có 10-20% cần nội soi và khoảng 1% cần phẫu thuật", bác sĩ dẫn chứng.

Các dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể đã nuốt dị vật bao gồm: ói, ói ra máu, đau họng hoặc ngực, khó nuốt, nuốt đau, đau bụng hoặc bụng chướng. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Để phòng ngừa hóc dị vật, bác sĩ Thủy khuyến cáo phụ huynh cần:

Tuyệt đối không cho trẻ đùa giỡn trong lúc ăn uống.

Lọc kỹ xương cá, cắt nhỏ thức ăn phù hợp độ tuổi.

Không để vật nhỏ, đồ chơi có thể tháo rời hoặc chứa nam châm trong tầm tay trẻ.

Luôn giám sát trẻ khi ăn hoặc chơi.

Tuyệt đối không cố lấy dị vật ra bằng tay hoặc các dụng cụ thô sơ nếu không có chuyên môn vì dễ đẩy dị vật sâu hơn hoặc gây tổn thương nghiêm trọng.

Trong mọi trường hợp nghi ngờ nuốt dị vật, không nên gây nôn hoặc cho uống thuốc kích thích nôn. Việc sơ cứu không đúng cách có thể khiến dị vật lọt vào đường hô hấp, gây tắc nghẽn hoặc viêm phổi hít.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục