Loại vaccine mới này mở ra triển vọng trong việc phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh các chủng virus liên tục biến đổi và ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại vaccine truyền thống.
Vaccine do nhóm nghiên cứu của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) phát triển hoạt động dựa trên hai cơ chế chính. Cơ chế đầu tiên là sử dụng kỹ thuật di truyền để chèn mã gen người vào virus cúm. Khi xâm nhập vào cơ thể, loại virus đã được biến đổi này sẽ kích thích các tế bào miễn dịch tạo ra kháng thể, từ đó tăng cường khả năng đề kháng với virus cúm. Điều này giúp hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng nhanh và mạnh hơn nếu bị tấn công bởi virus thật.
Cơ chế thứ hai là làm bất hoạt khả năng sinh sản của virus. Việc ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể giúp hạn chế sự lây lan và giảm nguy cơ phát triển thành bệnh cúm nghiêm trọng. Nhờ hai cơ chế phối hợp, loại vaccine mới không chỉ giúp phòng ngừa mà còn có thể kiểm soát tốt hơn sự lây lan của virus.
Một điểm đáng chú ý là vaccine mới không yêu cầu tiêm trực tiếp vào cơ thể như các loại truyền thống, điều này có thể giúp giảm bớt sự khó chịu và tâm lý lo ngại ở người sử dụng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận vaccine trong cộng đồng.
Trước đây, các loại vaccine cúm mùa phải được điều chỉnh liên tục để phù hợp với các biến thể mới, khiến hiệu quả bảo vệ có thể bị suy giảm theo thời gian. Tuy nhiên, công nghệ mới này mang đến hy vọng khắc phục được nhược điểm đó, đồng thời tạo nền tảng cho các loại vaccine tiên tiến hơn trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!