Amazon vừa giới thiệu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực robot kho vận. Cánh tay máy có tên Vulcan được trang bị xúc giác tinh tế, đủ sức “lục lọi” các kệ hàng như một nhân viên thực thụ.
Đằng sau cái tên mang sắc màu thần thoại, Vulcan không đơn thuần là một robot thông minh. Nó là đại diện cho thế hệ máy móc có xúc giác, có thể “sờ” để phân biệt vật thể, qua đó trở nên hữu dụng trong môi trường lao động vốn vẫn do con người chiếm lĩnh.
Robot Vulcan là "công nhân" mới tại kho hàng của Amazon - Ảnh: Amazon.
Tại trung tâm hoàn tất đơn hàng ở Hamburg, Đức, Vulcan đang âm thầm thay đổi cách Amazon xử lý đơn hàng. Với bộ cảm biến gắn trên nhiều khớp nối, cùng công cụ đặc biệt mô phỏng chiếc thìa và bộ hút linh hoạt, Vulcan không chỉ lấy hàng - nó hiểu hàng. Nhờ trí tuệ nhân tạo và khả năng phân tích lực xoắn, robot này có thể xác định, chọn và gắp chính xác món đồ cần thiết từ một kho vật phẩm bạt ngàn.
Aaron Parness, Giám đốc AI ngành robot của Amazon, người đứng đầu dự án phát triển Vulcan, giải thích rằng cảm biến xúc giác giúp robot đẩy các vật phẩm trên kệ và xác định chính xác món đồ cần lấy.
Những robot mới sẽ làm việc cùng dây chuyền với nhân viên con người, nhằm giúp giảm bớt công việc nặng nhọc như cúi người lấy đồ từ các kệ cao hoặc thấp. Khi gặp những món hàng không xác định được, nhân viên bằng xương bằng thịt sẽ tiếp quản công việc.
Robot Vulcan có "xúc giác", nhận biết được hàng hóa trong kho - Ảnh: Amazon.
Nhưng vị giám đốc mảng AI của Amazon cũng cho biết ông không kỳ vọng robot sẽ đảm nhiệm toàn bộ công việc trong các trung tâm của Amazon. “Chúng tôi không tin vào việc tự động hóa 100% hay mô hình ‘tắt đèn’ hoàn toàn”, ông Parness chia sẻ. “Chúng tôi có thể đạt đến hiệu suất 75% và để robot làm việc song song với con người, như vậy sẽ cao hơn nếu chỉ có con người hoặc robot làm việc”.
Ken Goldberg, chuyên gia robot tại Đại học California, Berkeley, nhận định: “Amazon lưu trữ rất nhiều loại sản phẩm trong các thùng chứa, vì vậy việc lục lọi là cần thiết để lấy đúng món hàng”. Ông bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới hệ thống mới, bởi lẽ Vulcan đại diện cho một bước tiến vượt bậc trong ngành robot.
Nhân viên Amazon đang làm quen dần với sự hiện diện của đồng nghiệp máy - Ảnh: Amazon.
Goldberg nhận thấy nghiên cứu về cảm biến xúc giác cho robot đã có nhiều bước tiến trong những năm gần đây, với nhiều nhóm tập trung vào cảm biến ở khớp và bề mặt. Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng robot vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp sự tinh tế trong xúc giác của con người.
“Cảm giác của con người cực kỳ nhạy bén và phức tạp, với phạm vi động rất lớn”, ông nói. “Robot đang tiến bộ nhanh chóng nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu chúng có cảm biến tương đương da người trong vòng 5 đến 10 năm tới”.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng robot vào quy trình sản xuất, từng bước đưa công nghệ tự động hóa vào vận hành thực tiễn. Theo ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, thiết bị robot đã chính thức đi vào hoạt động tại nhà máy từ cuối năm 2022. Đội ngũ vận hành cũng dần quen với sự hiện diện của robot, coi chúng như một phần không thể thiếu trong quá trình giám sát kỹ thuật.
Robot tại nhà máy thủy điện - Ảnh: EVN.
Việc đưa robot vào sử dụng nhằm tự động hóa các công việc mang tính lặp đi lặp lại, phát hiện những bất thường mà mắt thường khó nhận biết, đồng thời giám sát tại các vị trí tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hướng đi này cũng hướng đến mục tiêu thử nghiệm điều khiển và giám sát từ xa, giảm số lượng nhân sự trực tiếp tại hiện trường, qua đó nâng cao năng suất lao động và tối ưu chi phí sản xuất.
“Robot có công nghệ xử lý ảnh giúp phát hiện những bất thường của hệ thống thiết bị, bằng cách xử lý ảnh chụp trạng thái các đèn báo trên mặt tủ và từ các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, CO, CO2 cung cấp thông tin chính xác cho người vận hành. Từ khi có robot, công việc nhân viên vận hành đã giảm, hạn chế phải đi vào khu vực có nguy cơ mất an toàn như các khu vực có bình áp lực cao, có thiết bị cao áp”, ông Thế Anh chia sẻ.
Dẫu vậy, tự động hóa để lại dấu hỏi lớn cho lực lượng lao động. Liệu Vulcan và những thế hệ tiếp theo sẽ đẩy người lao động ra khỏi dây chuyền, hay sẽ tạo ra những công việc mới - như giám sát, hỗ trợ, huấn luyện cho chính các cỗ máy?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!