Apple và Anthropic đang hợp tác phát triển một nền tảng phần mềm lập trình mới ứng dụng AI sinh ngữ, có thể viết, chỉnh sửa và kiểm thử mã nguồn. Theo Bloomberg, hệ thống này hiện được thử nghiệm nội bộ tại Apple và chưa rõ có được công bố công khai hay không.
Nền tảng mới được cho là bản nâng cấp của Xcode – công cụ lập trình nổi tiếng của Apple – và sử dụng Claude Sonnet, một trong những mô hình mạnh nhất của Anthropic. Claude Sonnet hiện được nhiều lập trình viên ưa chuộng nhờ khả năng xử lý ngữ cảnh và viết mã hiệu quả trên các IDE tích hợp AI như Cursor hay Windsurf.
Việc bổ sung Claude vào hệ sinh thái AI của Apple nằm trong chiến lược đa đối tác của công ty. Trước đó, Apple đã xác nhận tích hợp ChatGPT cho các tính năng "Apple Intelligence" và hé lộ khả năng mở rộng với Google Gemini. Nếu nguồn tin là chính xác, Claude sẽ là cái tên tiếp theo bên cạnh OpenAI và Google trong cuộc đua AI của Apple.
Mô hình lập trình với sự hỗ trợ của AI đang dần trở thành xu hướng toàn cầu (ảnh minh họa)
Dù chưa ra mắt công khai, nền tảng mới thể hiện rõ tham vọng đưa AI vào quy trình phát triển phần mềm: tăng tốc, giảm lỗi và "đúng vibe" hơn với lập trình viên. Claude Sonnet – mô hình Apple đang thử nghiệm – thuộc dòng Claude 3 tầm trung, được tối ưu cho tốc độ phản hồi, chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo khả năng lập luận tốt với các tác vụ lập trình phức tạp. Theo phản hồi từ cộng đồng, Sonnet tỏ ra đặc biệt hữu ích khi sinh mã có cấu trúc, viết unit test hoặc tạo tài liệu kỹ thuật từ mô tả tự nhiên.
Dù chưa cạnh tranh trực diện với GitHub Copilot hay CodeWhisperer, Claude Sonnet đã được xem như một "cộng sự thầm lặng" trong nhiều môi trường phát triển, giữ nhịp làm việc đều đặn mà không làm xáo trộn phong cách code.
Nếu được tích hợp sâu vào Xcode - công cụ trung tâm của toàn hệ sinh thái Apple - Claude Sonnet có thể trở thành nền tảng quan trọng cho thế hệ lập trình viên mới: những người code cùng AI từ ngày đầu tiên.
Lập trình đang bước vào thời kỳ mới
Mô hình lập trình với sự hỗ trợ của AI đang dần trở thành xu hướng toàn cầu. Phong cách "vibe coding" - nơi người viết mã giao tiếp tự nhiên với AI để xây dựng sản phẩm - ngày càng phổ biến trong cộng đồng developer, trong đó có Việt Nam.
Nguyễn Nhật Quang, kỹ sư backend cấp cao tại một công ty SaaS ở TP.HCM, cho biết nhóm của anh bắt đầu đưa AI vào quy trình từ quý I năm nay, xuất phát từ nhu cầu thực tế của team. "Chúng tôi coi AI như một thành viên biết lắng nghe, chịu khó và không than phiền. Các phần việc nặng như thử nghiệm logic, tối ưu truy vấn, hay viết test được xử lý nhanh hơn nhiều."
Quang cũng chia sẻ rằng AI không làm giảm yêu cầu kỹ năng, mà càng làm nổi bật sự khác biệt về tư duy tổ chức: "Khi ai cũng có công cụ mạnh, điều quan trọng là biết cách dùng đúng. Người biết tận dụng AI sẽ vượt lên, còn lệ thuộc hoặc không có tư duy tổng thể thì vẫn tụt lại."
Phạm Vũ Chiến, trưởng nhóm frontend tại một công ty thiết kế ứng dụng ở Hà Nội, cho biết AI giúp cải thiện đáng kể quá trình giao tiếp giữa các bộ phận thiết kế và lập trình: "Các mô tả mang tính cảm tính như ‘hiệu ứng mượt như Tinder’ giờ được AI diễn giải lại theo hướng dễ triển khai hơn. Tốc độ xử lý nhanh hơn, và cả nhóm làm việc mượt hơn."
Theo Chiến, anh đã thay đổi cả cách giao việc: "Thay vì chia nhỏ từng phần tử, mình để các bạn junior thử nhiều phương án với AI, sau đó review lại tổng thể. Vừa nhanh hơn, vừa giúp các bạn học chủ động hơn."
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!