Mặc dù đã bị nghiêm cấm nhưng hành vi buôn bán, rao bán sừng và các loại dược liệu liên quan đến sừng tê giác vẫn diễn ra phức tạp trên mạng xã hội và ở các cơ sở, phòng chẩn trị y học cổ truyền. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn tiếp tay cho hành vi săn bắn, tận diệt loài tê giác để lấy sừng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nếu trót lọt, sừng tê giác có thể mang lại món tiền hàng tỷ đồng. Hàng không, đường biển, ngay cả đường bộ nhất là các khu vực cửa khẩu tiếp giáp với Lào - Campuchia, nạn buôn lậu sừng tê giác và các sản phẩm từ động vật hoang dã luôn nóng bỏng. Khó lọt vào nội địa nên thị trường ngầm sừng tê giác giao dịch luôn cháy hàng.
Năm 2024, chỉ riêng ngành Hải quan đã bắt giữ 10 vụ vận chuyển sản phẩm từ động vật hoang dã, thu giữ 1,58 tấn ngà voi, 01 kg sừng tê giác, 1.096 cá thể, 2.068 kg sản phẩm thuộc danh mục CITE. Trước đó, vào năm 2023 trong 3 chuyên án đấu tranh, lực lượng chức năng thu giữ hơn 36 kg sừng tê giác.
Tại Việt Nam, một báo cáo cho thấy loài tê giác đã bị tuyệt chủng từ năm 2010. Các quốc gia khác như Congo, Uganda, Trung Phi, Thái Lan, Malaysia hiện cũng không còn loài tê giác. Đây là hậu quả do quá trình săn bắn, lấy sừng tê giác để phục vụ nhu cầu của những kẻ lắm tiền nhưng thiếu hiểu biết. Nếu không ngăn chặn, loài động vật này sẽ chỉ được thấy trên những thước phim tư liệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!