Không còn là những cáo buộc nhỏ lẻ trong cộng đồng game thủ, gian lận bằng phần mềm thứ ba đã và đang trở thành "kẻ phá hoại" đáng sợ nhất của nền thể thao điện tử hiện đại. Từ những phòng máy nhỏ ở Việt Nam cho đến các giải đấu quốc tế tầm cỡ như CS:GO Major hay Valorant Champions, bóng ma của phần mềm gian lận vẫn lẩn khuất và đôi khi, hiện hình rõ ràng đến mức lố bịch.
Trong thời kỳ đầu của Esports, việc sử dụng phần mềm như wallhack hay aimbot chủ yếu gắn liền với những pha "đùa cợt" trong các trận chơi vui, nhưng hiện nay, những công cụ này đã được nâng cấp thành sản phẩm công nghệ cao – khó phát hiện, dễ sử dụng và đôi khi có cả dịch vụ bảo hành… như đồ điện tử cao cấp! Điều đáng nói là những công cụ này không chỉ xuất hiện trong các trận đấu rank thông thường mà còn len lỏi vào các giải đấu lớn, nơi mà mỗi chiến thắng đều gắn liền với tiền thưởng, danh vọng và thậm chí là sự nghiệp của cả một đội tuyển.
Câu chuyện Forsaken: Biểu tượng của sự trắng trợn
Không thể không nhắc đến tuyển thủ CS:GO Forsaken – người từng khiến cộng đồng quốc tế ngỡ ngàng khi bị bắt quả tang sử dụng phần mềm gian lận ngay tại giải đấu LAN eXTREMESLAND 2018. Phần mềm đó, trớ trêu thay, lại được đặt tên "word.exe", như thể một trò đùa nửa vời với ban tổ chức.Tuy nhiên, hậu quả không hề nhẹ: toàn bộ đội tuyển bị loại, sự nghiệp của tuyển thủ bị hủy hoại và tên tuổi Forsaken từ đó trở thành ví dụ kinh điển khi nhắc đến "hack lộ liễu trong Esports".
(Như một trò đùa tuyển thủ Forsaken đã sử dụng phần mềm thứ 3 ngay trên giải quốc tế)
Wallhack, Aimbot, Script – Bộ ba ‘quỷ sứ công nghệ’
Khi bàn đến từ khóa "phần mềm gian lận trong Esports", không thể bỏ qua ba công cụ nổi bật nhất: Wallhack: Cho phép người chơi nhìn xuyên tường, Aimbot: Tự động ngắm và bắn, khiến mọi pha headshot trở nên "vô thức" và vô nghĩa và cuối cùng là siêu "sức mạnh" mang tên Script: Chuỗi hành động tự động hóa giúp người chơi phản xạ nhanh như robot. Những công cụ này tạo ra lợi thế bất công, làm mất đi sự hấp dẫn của những pha xử lý kỹ thuật, đồng thời gây tổn thương niềm tin của khán giả – yếu tố sống còn trong sự phát triển của Esports.
(Nếu điều quan trọng trong các tựa game FPS là khả năng ngắm bắn thì với aimbot bạn chỉ cần ngồi cho có chứ không cần phải làm gì vì đã có hack lo hết)
(Wallhack cho bạn sở hữu con mắt "Hỏa nhãn kim tinh")
Khi công nghệ chống gian lận còn đang “theo sau”
Sự phát triển của công nghệ không chỉ mang lại những trải nghiệm chơi game mượt mà hơn mà còn tạo điều kiện cho các phần mềm gian lận ngày càng tinh vi. Các phần mềm như aimbot giúp người chơi tự động ngắm bắn với độ chính xác tuyệt đối, trong khi wallhack cho phép nhìn xuyên tường, tạo lợi thế không công bằng.
Thậm chí, một số phần mềm còn được thiết kế để tránh bị phát hiện bởi các hệ thống chống gian lận, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mặc dù các nền tảng như Vanguard (Valorant), BattleEye (PUBG) hay VAC (CS:GO) đã cố gắng cải thiện khả năng phát hiện gian lận, thực tế cho thấy bọn gian lận vẫn luôn đi trước một bước. Nhiều phần mềm hiện nay sử dụng AI học máy để mô phỏng thao tác người dùng, qua mặt hầu hết hệ thống kiểm tra thông thường.
Việc phát hiện hack, do đó, đôi khi còn phụ thuộc vào… thần may mắn hoặc con mắt tinh tường của trọng tài, điều này khiến tính chuyên nghiệp của các giải đấu trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Để đối phó với vấn nạn gian lận, các nhà phát hành game đã triển khai nhiều biện pháp như hệ thống chống gian lận tích hợp, kiểm tra phần mềm trước khi thi đấu và hợp tác với các tổ chức giám sát độc lập. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này vẫn còn hạn chế. Một số tổ chức như Esports Integrity Commission (ESIC) đã được thành lập nhằm giám sát và xử lý các hành vi gian lận trong Esports. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà phát hành, tổ chức và cộng đồng người chơi.
Dù vậy, giữa thế giới đầy cám dỗ của cheat và hack, vẫn có vô số tuyển thủ và cộng đồng game thủ tôn trọng sự công bằng, cố gắng luyện tập ngày đêm để cải thiện kỹ năng. Những cái tên như Faker, s1mple hay TenZ chưa bao giờ bị nghi ngờ về độ “sạch”, và chính họ là minh chứng sống cho chân lý: tài năng thật sự thì không cần đến phần mềm hỗ trợ. Hãy tưởng tượng bạn là một tuyển thủ chuyên nghiệp, đã trải qua 3 tháng bootcamp, ăn ngủ với chiến thuật, thức đêm scrim với đội… để rồi thua trước một thanh niên sử dụng wallhack được mua với giá 5 đô trên Telegram.
Ở một góc nhìn khác, không ít người cho rằng những game thủ sử dụng phần mềm thứ ba là nạn nhân của sự cạnh tranh khốc liệt trong Esports – nơi mà chỉ cần một ngày "chệch tay" cũng đủ khiến bạn rớt khỏi đội hình chính và mất đi cả sự nghiệp.
Nhiều tuyển thủ trẻ, đặc biệt ở các khu vực như Đông Nam Á, CIS hay Nam Mỹ, nơi cơ hội để vươn tầm thế giới vẫn còn khan hiếm, đã chọn cách "đốt cháy giai đoạn" bằng cách… bật phần mềm hỗ trợ như aimbot hoặc wallhack. Một số người thậm chí cho rằng, "ai cũng làm, nếu mình không dùng thì thua", điều này tạo nên một hiệu ứng domino tiêu cực: một vài người hack – cả giải đấu mất giá trị.
Tuy nhiên, chính vì vậy mà câu hỏi lớn hơn cần đặt ra là: Liệu hệ sinh thái Esports hiện tại đã đủ lành mạnh để nuôi dưỡng tài năng thật? Hay nó đang vô tình ép những kẻ yếu vía trượt dài vào con đường gian dối?
Đáng buồn là phần mềm thứ ba không chỉ là câu chuyện của những tuyển thủ "trầy trật" tìm đường vào Tier 1. Trong những năm gần đây, không ít streamer nổi tiếng, YouTuber triệu view cũng bị bắt quả tang đang… cheat.
Điển hình như vụ việc một nữ streamer nổi tiếng ở Trung Quốc bị phát hiện sử dụng phần mềm auto-aim trong khi đang phát sóng, khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Khi bị vạch mặt, cô lại biện minh theo kiểu "phần mềm tự cài, em không biết", khiến khán giả vừa bực, vừa buồn cười.
Trong môi trường mà "view là tiền", không ít người chấp nhận đánh đổi đạo đức để đổi lấy những cú highlight "ảo tung chảo" nhằm thu hút khán giả, qua đó tạo ra một vòng lặp độc hại trong văn hóa gaming: nổi tiếng bằng mọi giá, kể cả bằng phần mềm lậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!