Loét tì đè - mối nguy hiểm thầm lặng cho người nằm bất động dài ngày

Linh Chi, icon
08:44 ngày 13/05/2025

bangdatally.xyz - Một trường hợp mới được ghi nhận tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho thấy hậu quả nặng nề nếu không phòng ngừa và can thiệp kịp thời.

Hình minh hoạ.

Bệnh nhân nam, 20 tuổi, nhập viện với biểu hiện sốt kéo dài, yếu liệt hai chi dưới. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh mô liên kết hỗn hợp và suy tim, bệnh nhân phải nằm bất động dài ngày. Trong thời gian này, vùng cùng cụt của bệnh nhân xuất hiện vết loét có kích thước 5x6cm, sâu 2cm, bên trong chứa nhiều giả mạc và hang hốc – dấu hiệu điển hình của loét tì đè giai đoạn nặng.

Các bác sĩ đã áp dụng điều trị đa phương pháp: hút áp lực âm liên tục trong nhiều đợt để loại bỏ giả mạc, thúc đẩy hình thành mô hạt. Khi tổn thương đủ điều kiện, bệnh nhân được phẫu thuật tạo vạt da che phủ tổn khuyết. Sau 15 ngày hậu phẫu, vạt da sống tốt, vết loét lành hoàn toàn, bệnh nhân được xuất viện tiếp tục điều trị bệnh lý hệ thống và phục hồi chức năng.

"Loét tì đè là tình trạng tổn thương da và mô dưới da do áp lực kéo dài tại một vị trí trên cơ thể, thường gặp ở người bệnh phải nằm lâu mà không được chăm sóc đúng cách", TS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật và Chăm sóc Da, Trung tâm Da liễu - Dị ứng cho biết.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa, loét tì đè thường xuất hiện tại các vùng có xương lồi như: gót chân, mắt cá, vùng mông, cùng cụt, vai, vùng chẩm đầu và xương bả vai. Tổn thương được phân loại thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1–2: Tổn thương còn nông, nếu được chăm sóc kịp thời, vết loét có thể hồi phục hoàn toàn.

Giai đoạn 3–4: Da đã bị tổn thương toàn bộ, cần điều trị tích cực, nếu không có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí đe dọa tính mạng.

Việc phòng ngừa loét tì đè không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp nhưng cần sự kiên trì và theo dõi sát sao. Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo:

Thay đổi tư thế mỗi 2 giờ/lần.

Dùng đệm chống loét (nước, hơi hoặc gel).

Vệ sinh da sạch, giữ khô thoáng.

Massage nhẹ vùng tì đè 2–3 lần/ngày.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nước uống đầy đủ.

Hướng dẫn vận động thụ động cho người bệnh không thể tự di chuyển.

Đặc biệt, người chăm sóc cần theo dõi sớm các dấu hiệu như: đỏ da không mất khi ấn nhẹ, cảm giác nóng – lạnh bất thường, rát – đau hoặc ngứa tại vùng tì đè, da đổi màu, có dịch tiết, mùi hôi... Đây là những tín hiệu cảnh báo loét tì đè đang hình thành và cần can thiệp y tế kịp thời.

Lưu ý: Mỗi trường hợp loét tì đè là một biến chứng có thể phòng ngừa nếu có kiến thức và chăm sóc đúng cách. Đừng để sự chủ quan làm tổn thương người thân đang điều trị bệnh dài ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục