Khu vực Kinh tế tư nhân có gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp 51% vào GDP, tạo việc làm cho 40 triệu lao động.
Kinh tế tư nhân đã trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, khu vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng manh mún, thiếu liên kết và các rào cản trong vốn, thủ tục hành chính, và công nghệ.
Vẫn còn manh mún
Kinh tế tư nhân Việt Nam hiện đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Theo VCCI, khu vực này hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp 51% vào GDP, tạo việc làm cho 40 triệu lao động – chiếm 82% lực lượng lao động – và chiếm 60% vốn đầu tư xã hội. Những con số này minh chứng cho vai trò không thể thay thế của kinh tế tư nhân, nhưng thực tế lại hé lộ một bức tranh chưa hoàn thiện. Khoảng 97% doanh nghiệp tư nhân là quy mô nhỏ và vừa, hoạt động rời rạc, cạnh tranh nội bộ thay vì hợp tác, và gần như không tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo OECD, chỉ 5% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), so với tỷ lệ 25-30% ở các quốc gia như Hàn Quốc và Singapore
Thực tế, chỉ 5% doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), so với tỷ lệ 25-30% ở các quốc gia như Hàn Quốc và Singapore, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tình trạng manh mún này, kết hợp với những rào cản về vốn, đất đai, và công nghệ, đang cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân, khiến "mỏ vàng" kinh tế này chưa thể phát huy hết tiềm năng.
Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ông Tạ Phương Đại, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Xây dựng Tacons (TP Hồ Chí Minh), chia sẻ rằng mỗi năm, công ty phải mất hàng trăm giờ để hoàn thành các thủ tục thuế, bảo hiểm và giấy phép, chưa kể các chi phí không chính thức khác. Một ví dụ điển hình là khi Tacons gửi hồ sơ dự thầu cho một tòa nhà ở Quận 10, TP Hồ Chí Minh, công ty đã hoàn tất mọi thủ tục, nhưng cơ quan nhà nước mời thầu dù công ty đã trúng thầu. Tuy nhiên, vì lý do hành chính, đến tận 12 tháng sau, công ty mới hoàn thành hết thủ tục để thi công. Ông Đại cho biết: "Quy trình bình thường, nếu cơ quan mời thầu yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần đầy đủ là xong, nhưng công ty tôi phải đi lại rất nhiều lần, kéo dài thời gian không đáng có".
Theo khảo sát PCI 2023, 59,1% doanh nghiệp tư nhân cho rằng thủ tục hành chính rườm rà và chi phí không chính thức là rào cản lớn nhất, làm cho môi trường kinh doanh thiếu công bằng. Ngoài ra, về vốn, 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay ngân hàng do yêu cầu tài sản thế chấp khắt khe và thiếu minh bạch trong thông tin tín dụng, theo VCCI. Ông Phạm Minh Đông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Asia, chia sẻ rằng ngân hàng yêu cầu tài sản cố định, nhưng công ty ông có nhà xưởng và đơn hàng xuất khẩu dài hạn, những thứ này lại không được công nhận.
Đất đai cũng là một vấn đề nan giải. 73% doanh nghiệp phải hoãn hoặc hủy kế hoạch kinh doanh vì thủ tục đất đai phức tạp, trong khi doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ nhiều quỹ đất chưa được khai thác hiệu quả. Trong lĩnh vực công nghệ, tình trạng thiếu đầu tư vào R&D khiến khả năng đổi mới và sáng tạo bị hạn chế. Điều này càng rõ rệt khi so với các quốc gia như Hàn Quốc, nơi các tập đoàn lớn như Samsung đóng góp khoảng 20-22% vào GDP, và tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào R&D là 30%.
Manh mún không chỉ đến từ quy mô doanh nghiệp mà còn từ sự thiếu liên kết trong hoạt động của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thường hoạt động riêng lẻ, thiếu sự hợp tác để tạo chuỗi giá trị. Trong khi Singapore đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp với các cụm ngành công nghệ cao, Việt Nam vẫn thiếu các liên kết mạnh mẽ giữa doanh nghiệp nhỏ và các tập đoàn lớn hay khu vực FDI.
Ông Phạm Minh Đông nhấn mạnh: "Chúng tôi cần một sân chơi chung, nơi doanh nghiệp nhỏ có thể học hỏi và hợp tác với các doanh nghiệp lớn." Thực tế, chỉ có 3% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo OECD, trong khi Hàn Quốc có hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn như Hyundai và Samsung. Nếu không khắc phục tình trạng manh mún và thiếu liên kết này, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội phát triển khi nhiều startup tiềm năng chọn đăng ký kinh doanh ở các quốc gia như Singapore hay Mỹ, nơi có môi trường thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp cần chính sách "mở" hơn
Nghị quyết 68-NQ/TW được xem là một bước đột phá nhằm giải quyết những vấn đề này. Mục tiêu của nghị quyết là đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, đóng góp 55-58% GDP. Các giải pháp trong nghị quyết bao gồm xóa bỏ thuế khoán cho hộ kinh doanh vào năm 2026, giảm 30% chi phí và thời gian thủ tục hành chính, và xây dựng khung pháp lý cho các lĩnh vực công nghệ mới như AI và fintech. Một trong những sáng kiến quan trọng là cơ chế "hộp cát pháp lý", cho phép doanh nghiệp thử nghiệm sáng tạo mà không lo sợ rủi ro pháp lý.
Nhà nước cần thiết lập các chính sách tài chính hỗ trợ cụ thể, từ ưu đãi thuế đến tín dụng, giúp doanh nghiệp có thể tự tin đầu tư dài hạn vào các dự án đổi mới sáng tạo.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, đề xuất Nhà nước xây dựng các quỹ đặc biệt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Đầu tư vào R&D là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp nâng cao khả năng đổi mới công nghệ và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn lên và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam còn kiến nghị Nhà nước cần thiết lập các chính sách tài chính hỗ trợ cụ thể, từ ưu đãi thuế đến tín dụng, giúp doanh nghiệp có thể tự tin đầu tư dài hạn vào các dự án đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Giảm 30% các điều kiện kinh doanh không cần thiết và hạn chế thanh tra, kiểm tra quá một lần mỗi năm sẽ tạo ra môi trường minh bạch, công bằng.
Ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Thao, nhấn mạnh rằng việc ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân. Việc sử dụng các nền tảng công nghệ hiện đại như AI, blockchain và Internet vạn vật (IoT) sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu. Ông cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, chuyển giao tri thức và nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp.
Để vượt qua tình trạng manh mún và thiếu liên kết, Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ và sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội. Việc tăng cường liên kết và xây dựng các cụm ngành, như cụm công nghệ cao ở TP.HCM, sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ là chính sách, mà là lời kêu gọi hợp sức, với các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu, để giúp kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và trở thành động lực dẫn dắt Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!