"4 trụ cột" để đưa đất nước cất cánh
Ngày 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết 66 và 68 của Bộ chính trị. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ 4 nghị quyết vừa được Bộ Chính trị ban hành, bao gồm: Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết số 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân là "Bộ tứ Trụ cột" đưa đất nước cất cánh.
Tổng bí thư nhấn mạnh, 4 Nghị quyết này đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Phát triển kinh tế tư nhân đã được Bộ Chính trị xác định là "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc gia, song hành cùng kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể, tạo thành thế "kiềng ba chân" vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được xác định là động lực chủ yếu của phát triển; do đó, Nhà nước cần chủ động tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, hội nhập quốc tế trong tình hình mới đòi hỏi linh hoạt, nhạy bén trong chiến lược và sách lược đối ngoại, tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức. Điểm đột phá chung của cả 4 Nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ "quản lý" sang "phục vụ", từ "bảo hộ" sang "cạnh tranh sáng tạo", từ "hội nhập bị động" sang "hội nhập chủ động", từ "cải cách phân tán" sang "đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc".
Đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đến năm 2030, kinh tế tư nhân đóng góp gần 60% GDP
Trình bày nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân cần đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động.
Về kế hoạch hành động của Chính phủ, Thủ tướng cho biết kế hoạch đã được ban hành nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ vượt trội để thu hút nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới.
Thể chế hoá các chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân
Với gần 90% tỷ lệ đại biểu tán thành, cuối tuần qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Loạt chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, thuế, không hình sự hóa quan hệ kinh tế... được áp dụng để thúc đẩy khu vực này bứt phá.
Như vậy, kể từ khi Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành vào ngày 4/5, chỉ trong vòng gần nửa tháng, Nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua. Quá trình thể chế các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được diễn ra hết sức khẩn trương, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đúng với tinh thần chỉ đạo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Khi thể chế hoá Nghị quyết 68, Quốc hội làm rất khẩn trương, Uỷ ban kinh tế - tài chính là cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác để triển khai nhanh. Các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận rất sôi nổi để có thể có sớm nhất Nghị quyết của Quốc hội, thể chế hóa về phát triển kinh tế tư nhân. Các tháo gỡ tương đối toàn diện về các mặt, từ thể chế, từ đất đai, tài chính và các cơ chế khác, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ".
Bà Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: "Tôi đánh giá cao sự vào cuộc tích cực cũng như tính khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi Nghị quyết 68 ban hành, Chính phủ đã trình Quốc hội hồ sơ để Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu trong thời gian không lâu nhưng có rất nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tổ và cũng như thảo luận tại hội trường quan tâm đến các nội dung của Nghị quyết".
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: "Đây là Nghị quyết có những cơ chế, chính sách mang tính đặc biệt, đúng như tên của Nghị quyết. Cử tri, nhân dân, doanh nghiệp rất mong đợi Nghị quyết này. Tôi nghĩ là Nghị quyết sau khi có hiệu lực sẽ cởi trói rất nhiều vấn đề".
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân
Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển khu vực tư nhân
Ngay sau khi Nghị quyết số 198 của Quốc hội được thông qua, Chính phủ đã có Nghị quyết số 139 ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Hạn chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm nay.
Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với cùng một nội dung quản lý Nhà nước, trường hợp đã tiến hành hoạt động thanh tra thì không thực hiện hoạt động kiểm tra hoặc đã tiến hành hoạt động kiểm tra thì không thực hiện hoạt động thanh tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong cùng một năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra trực tuyến, từ xa.
Chính phủ cũng giao cho hàng loạt các Bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước… tiến hành rà soát, sửa đổi các Nghị định chi tiết, cụ thể nhằm giúp khu vực tư nhân tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuê nhà, đất là tài sản công; tiếp cận dòng vốn tín dụng và triển khai các chính sách miễn giảm phí, thuế.
Nghị quyết 68 là cú hích cho doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng
Nghị quyết 68: Cú hích cho doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng
Việc các Nghị quyết được thông qua rất khẩn trương sẽ giúp những chính sách sớm đi vào thực tiễn và có giá trị rất lớn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phấn khởi đón nhận vì đã gỡ bỏ được nhiều vấn đề cấp thiết từ thuế, đến quy định về thanh tra, kiểm tra…
Năm ngoái, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1 triệu USD (khoảng 25 tỷ đồng) để mua máy móc công nghệ cao để có thể sản xuất được những chi tiết khó phục vụ các đơn hàng xuất khẩu đi Nhật. Năm nay, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, họ quyết định mở thêm một nhà máy thứ ba. Đây cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng giá trị công nghệ rất lớn, để có thể xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, Mỹ.
Doanh nghiệp hồ hởi cho biết, Nghị quyết 68 được Quốc hội thông qua tạo bệ phóng cho họ mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô và hàm lượng công nghệ trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Hữu Thắng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intech cho biết: "Những việc cho nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp sẽ được Chính phủ và Nghị quyết này hỗ trợ rất lớn trong những thời gian tới. Trong Nghị quyết đề cập giảm 30% tiền phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Đây là một điểm có lợi và hỗ trợ rất lớn đối với những doanh nghiệp về sản xuất".
Cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cũng là nội dung được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng trong Nghị quyết 68, bởi điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tránh bị chồng chéo trong quản lý, đặc biệt là với doanh nghiệp sản xuất chủ lực.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nêu ý kiến: "Giải quyết các thủ tục hành chính mà trước kia có thể chính quyền ba cấp tạo ra khoảng thời gian lâu hơn. Hiện nay, với việc rút ngắn, bỏ qua chính quyền cấp quận huyện, rõ ràng là thời gian và chi phí, cũng như thủ tục của doanh nghiệp được thực hiện nhanh hơn".
Cùng với việc triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân theo Nghị quyết 68, các địa phương cho biết sẽ hoàn thiện bộ máy hành chính nhanh chóng sau sáp nhập, phát huy thế mạnh của từng địa phương theo địa giới hành chính cũ vốn có để tăng tốc phát triển.
Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng nhận định: "Chúng tôi tạo mặt bằng, tiếp cận đất đai để cho các doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất kinh doanh. Không những đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đại diện cho mọi thành phần kinh tế, Thành phố cũng đang tập trung phát triển rất mạnh các khu cụm công nghiệp, trong đó có khu kinh tế phía Nam".
Các doanh nghiệp tư nhân cũng kỳ vọng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ quan độc lập để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chỉ số tuân thủ, chỉ số chấp hành thực thi và hiệu quả thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp công tâm, kịp thời.
Sau hơn hai thập kỷ kể từ khi Luật Doanh nghiệp đầu tiên ra đời, khu vực kinh tế tư nhân có bước chuyển mình mạnh mẽ về quy mô, dẫn dắt nhu cầu lao động và trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn hội nhập. Việc thể chế hoá Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt tiếp theo, đưa khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế Việt Nam bứt tốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!