Cần xác định đúng đối tượng được nhận ưu đãi theo các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, gây lãng phí. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Dự thảo quy định, các địa phương dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại. Các đại biểu cho rằng, không nên quy định tỉ lệ cứng, tránh trường hợp doanh nghiệp tại địa phương không sử dụng hết quỹ đất, gây lãng phí.
Tại Nghị trường sáng nay, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao công tác thể chế hóa nhanh chóng, kịp thời Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cho kinh tế tư nhân, từ cải cách thủ tục hành chính, tới hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực như đất đai, hỗ trợ vốn, miễn giảm thuế. Theo dự thảo, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế ba năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất cần kéo dài thêm thời hạn miễn thuế.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Thời gian đầu, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào xây dựng, đầu tư, phát triển thị trường, chưa có lợi nhuận. Nếu chúng ta hỗ trợ từ giai đoạn đầu, vô hình trung đến khi doanh nghiệp có lãi, hết thời hạn ba năm được hỗ trợ thì không có hiệu quả. Tôi đề nghị thay vì hỗ trợ ba năm từ khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bằng việc hỗ trợ ba năm từ khi doanh nghiệp phát sinh lãi".
Cần xác định đúng đối tượng được nhận ưu đãi theo các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, gây lãng phí
Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần làm rõ đối tượng được ưu đãi, đặc biệt là trong lĩnh vực có thay đổi nhanh và có nhiều điểm mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ chia sẻ: "Cần phải có khái niệm rõ hơn về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hay những vườn ươm công nghệ, hay những doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ đột phá. Chính phủ phải khoanh vùng được những nội dung này để đảm bảo việc ưu đãi, đi đúng vào đối tượng được ưu đãi".
Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu ý kiến: "Hỗ trợ như vậy là đúng, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là nguồn lực hỗ trợ này có được các doanh nghiệp tư nhân hấp thu hay không. Nếu hấp thu không tốt thì sẽ gây ra lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân cũng phải cố gắng làm sao nâng cao năng lực, tăng cường khả năng để làm sao cho người ta có thể đón nhận và hấp thụ các nguồn vốn hỗ trợ tốt nhất".
Dự kiến, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được thông qua vào cuối tuần này. Đây sẽ là cú hích quan trọng, góp phần hiện thực hóa tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!