Nhiều người trẻ chọn “sống về đêm”: Khi đêm không phải để ngủ

Yến Dung-Chủ nhật, ngày 18/05/2025 10:44 GMT+7

bangdatally.xyz - Dịch vụ giải trí đêm ngày một đa dạng, cùng đó là nhiều nỗi lo toan cuộc sống, học tập. Một bộ phận người trẻ đang tự đưa mình vào tình trạng "đêm năng suất, ngày gật gù".

Lối sống về đêm đang trở thành xu hướng của giới trẻ. Họ được gọi bằng một thuật ngữ - “cú đêm”, tức là thức khuya, ngủ muộn và làm việc hiệu quả hơn vào ban đêm. Nhưng trên thực tế, sống về đêm đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của bản thân. 

Thế hệ “sống về đêm”: Khi đêm không phải để ngủ - Ảnh 1.

Trong màn đêm tĩnh lặng, cuộc sống vẫn tiếp diễn, có rất nhiều lý do để người trẻ chọn “thức đêm, ngủ ngày” (Ảnh: Yến Dung)

Thức để giải trí

Sức hút từ những bộ phim dài tập, những clip ngắn, âm nhạc hoặc xu hướng mới trên mạng xã hội, hay đơn giản là những buổi vui, tán gẫu bên bạn bè thâu đêm chính là những thứ đang khiến một bộ phận bạn trẻ hiện nay dần trở thành những “cú đêm” chính hiệu. 

Hầu như tối nào, Nguyễn Minh Hiếu (21 tuổi, sinh viên) cũng tự thưởng cho mình những giờ giải trí bằng cách “nằm lì” trong phòng để "cày" hết bộ phim này đến bộ phim khác hay đơn giản chỉ lướt các trang mạng xã hội. 

Hiếu chia sẻ: “Thường thì mình sẽ ngủ vào khoảng từ 3 đến 4 giờ sáng, vì mình mải “cày” phim và lướt mạng xã hội. Thức đêm nhiều đã thành quen, nhưng cũng vì thế mà mình thường xuyên phải nghỉ học tiết đầu và đến lớp lúc 9 giờ vì thiếu ngủ”. 

Không chỉ ở nhà và dành thời gian trên chiếc màn hình điện thoại để xem phim và lướt web, một số bạn trẻ còn thâu đêm bằng những cuộc vui chơi kéo dài đến khi trời hửng sáng. 

Mai Hương (20 tuổi, sinh viên) chia sẻ về việc từ khi lên đại học, bình quân mỗi tháng sẽ có một số buổi tối, Hương cùng các bạn đi chơi ở các quán bar, pub đến khuya. Hương cho biết: “Là một người thích cảm nhận không khí và âm nhạc sôi động, việc đi bar khuya mang lại cảm giác thoải mái và giải tỏa căng thẳng rất tốt.”

Thế hệ “sống về đêm”: Khi đêm không phải để ngủ - Ảnh 2.

Các bạn trẻ tìm đến bar, pub để chạy trốn áp lực và sự mệt mỏi trong công việc (Ảnh: NVCC).

Hiện tại, Mai Hương đang cố gắng duy trì một lối sống cân đối hơn cũng như kiểm soát thời gian tham gia các hoạt động về đêm, bởi Hương nhận thức rõ được việc tham gia thường xuyên vào các hoạt động giải trí xuyên đêm có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe.

Thức để học tập, làm việc 

Bên cạnh những cuộc vui thâu đêm hay hàng giờ lướt mạng xã hội để giải trí đến khi trời rạng sáng, nhiều bạn trẻ chọn “cày việc” đêm vì “tham công tiếc việc” hay đơn giản, họ cảm thấy ban đêm là thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để có thể tư duy sáng tạo và có nhiều ý tưởng phong phú hơn. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, Đặng Anh Quân (25 tuổi, nhân viên truyền thông) quyết định chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh với hy vọng sớm tìm được một công việc “trong mơ”.

Quân bắt đầu phải đối mặt với việc xa gia đình khi kinh tế chưa ổn định, anh làm 2, 3 công việc cùng lúc, có những công việc còn làm với đối tác nước ngoài. Quân chia sẻ: “Trong tuần có 4 ngày mình làm việc với đối tác người Mỹ, chênh lệch 12 tiếng so với múi giờ Việt Nam. Vì vậy, hầu như khoảng 3h sáng mình mới bắt đầu kết thúc 1 ngày làm việc. Tuy ban đêm mình có thể tập trung hơn nhưng đồng thời, thời điểm này tâm trạng mình cũng nhạy cảm hơn, vì thế các quyết định trong công việc cũng dễ bị xen lẫn bởi cảm xúc của mình”. 

Không chỉ những người đã đi làm, việc thường xuyên thức quá nửa đêm là điều không khó để bắt gặp ở những đối tượng trẻ hơn - sinh viên đại học. 

Thu Giang (22 tuổi, sinh viên) cho biết, cô thường bắt đầu học vào khoảng 10 giờ đêm, khi nhịp sống đã lắng xuống và không gian trở nên yên tĩnh hơn. Với lịch trình dày đặc gồm các buổi học trên lớp, hoạt động ngoại khóa và công việc làm thêm, ban ngày gần như không còn khoảng trống để cô có thể ngồi tập trung ôn bài. Giang thường kéo dài thời gian học đến 2 - 3 giờ sáng, đặc biệt trong những thời điểm cao điểm như thi cuối kỳ hay chuẩn bị bài tập lớn. Dù nhận thức rõ việc thức khuya ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, cô vẫn chấp nhận đánh đổi: “Nếu không tận dụng khoảng thời gian ban đêm, em sẽ không thể hoàn thành hết khối lượng công việc cần làm trong ngày.”

Thế hệ “sống về đêm”: Khi đêm không phải để ngủ - Ảnh 3.

Quỹ thời gian ngắn hạn không đủ để Thu Giang giải quyết hết công việc học tập vào ban ngày (Ảnh: Yến Dung).

Hệ luỵ khi làm “cú đêm”

Việc thức khuya kéo dài không chỉ là một thói quen sinh hoạt lệch nhịp, mà còn tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Với nhiều người, giai đoạn đầu của lối sống “cú đêm” có thể mang lại cảm giác chủ động về thời gian, nhưng về lâu dài, những hệ quả không mong muốn bắt đầu xuất hiện – từ mệt mỏi mãn tính, rối loạn giấc ngủ cho đến hiệu suất học tập, làm việc giảm sút rõ rệt. Không ít người đã phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng trong cuộc sống chỉ vì kéo dài thói quen này quá lâu.

Yến Nhi (25 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ rằng, việc thức khuya liên tục khiến cô thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất năng lượng và thiếu tập trung vào ban ngày. “Mình cứ nghĩ thức đêm rồi ngủ bù là ổn, nhưng càng về sau càng dễ cáu gắt, sáng dậy rất khó khăn. Có hôm ngủ quên, mình đã đi làm muộn và làm chậm trễ cuộc họp tại công ty,” Nhi kể.

Tương tự, Quốc Duy (21 tuổi, sinh viên năm ba) cũng đang vật lộn với những ảnh hưởng của lối sống “sống về đêm”. “Mình thường học và làm việc đến 2–3h sáng, nên sáng hôm sau lúc nào cũng uể oải. Dù đã cố gắng đặt báo thức, nhưng nhiều hôm vẫn dậy trễ, lỡ mất lịch học nhóm hoặc nộp bài sát giờ,” Duy cho biết. Theo anh, thói quen này không chỉ khiến hiệu suất giảm sút mà còn khiến anh mất đi cảm giác cân bằng trong sinh hoạt hàng ngày. 

Thế hệ “sống về đêm”: Khi đêm không phải để ngủ - Ảnh 4.

Giữa đêm tối, nhiều bạn trẻ vẫn thức, vì học tập, công việc, hay đơn giản là tìm kiếm không gian riêng cho mình (Ảnh: Yến Dung)

The National Sleep Foundation (Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia - Hoa Kỳ) khuyến nghị, thời gian ngủ lý tưởng cho người lớn nên kéo dài từ 7 đến 9 tiếng. Nếu con người liên tục hoạt động mà không ngủ đủ giấc, chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, trầm cảm, suy tim hoặc đột quỵ. 

Cơ thể của con người cần những giấc ngủ chất lượng như cách nó cần không khí và thức ăn để duy trì sự sống. Khi được hỏi, hầu như người trẻ nào cũng có câu trả lời về những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến sức khoẻ khi bỏ qua giấc ngủ đêm, nhưng họ lại luôn thừa nhận bản thân khó có thể thay đổi, khi chúng đã dần trở thành một thói quen khó bỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước