Giữa lòng cố đô Huế, ngôi nhà nhỏ trên đường Mai Thúc Loan vẫn lặng thầm kể câu chuyện về cậu bé Nguyễn Sinh Cung, người sau này trở thành Bác Hồ vĩ đại, với tâm hồn ngập tràn yêu thương và khát vọng cứu nước.
Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ tại Trường thi Nghệ An. Năm sau, ông vào kinh đô Huế dự kỳ thi Hội nhưng không đỗ. Quyết tâm ôn luyện để tiếp tục thi, ông xin vào học tại Trường Quốc Tử Giám và được chấp thuận.
Mẹ của Bác Hồ hằng ngày vẫn tần tảo bên khung cửi để nuôi sống gia đình nhỏ
Sau đó, ông trở về đón vợ con vào Huế để tiện việc học hành và chăm sóc gia đình. Qua người quen giới thiệu, ông thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba, chính là ngôi nhà di tích hiện nay, số 158 Mai Thúc Loan.
Trong sáu năm sống tại đây, gia đình ông Sắc hòa nhập với đời sống người dân kinh kỳ. Ngoài việc học, ông còn bốc thuốc, chẩn bệnh giúp người dân quanh vùng. Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Bác chăm chỉ dệt vải, tảo tần nuôi con và vun vén cho tổ ấm.
Những vật dụng được trưng bày tại nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan ( TP Huế).
Anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung tuy còn nhỏ nhưng sớm tỏ ra thông minh, ham học hỏi, thường lắng nghe cha và các bậc cao niên đàm đạo về thời cuộc, triều chính, về sự ngạo mạn của thực dân Pháp và nỗi khổ cực của người dân lao động. Đặc biệt, câu chuyện về sự kiện thất thủ Kinh đô vào ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (tức 5/7/1885), khiến hàng ngàn người dân vô tội thiệt mạng, gia đình ly tán, đã in sâu trong ký ức tuổi thơ của Người. Những biến động ấy góp phần hình thành khát vọng cứu nước, cứu dân trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung.
Cũng trong ngôi nhà này, bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận (bé Xin). Một thời gian sau, do bệnh nặng vì lao lực, bà qua đời vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901), khi mới 33 tuổi. Sự ra đi của bà để lại nỗi mất mát lớn trong gia đình và là một dấu mốc buồn trong những năm tháng đầu đời của Bác.
Những ngày cận kề sinh nhật Bác lại có nhiều người trở về trong căn nhà đã từng gắn bó với tuổi niên thiếu của Bác Hồ.
Với giá trị lịch sử sâu sắc, ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 74/VH-QĐ ngày 2/2/1993. Đến ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xếp hạng nơi đây là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg.
Ngày nay, ngôi nhà nhỏ trên đường Mai Thúc Loan là một địa chỉ đỏ, nơi người dân và du khách tìm về để tưởng nhớ những năm tháng tuổi thơ giản dị nhưng đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!