Ngày xưa, học sinh chơi game là bị mắng, bây giờ, có thể được… điểm cộng. Nghe tưởng đùa nhưng lại là thật, bởi "esports học đường" đang âm thầm nhưng mạnh mẽ len lỏi vào các ngôi trường trung học, đại học tại Việt Nam. Khi thế giới đã bắt đầu đào tạo cử nhân Esports, thì chuyện game bước chân vào giảng đường ở nước ta là xu hướng tất yếu – chỉ là sớm hay muộn.
Câu hỏi muôn thuở: “Game có hại không?” nay được thay bằng “Game có dạy được gì không?”. Trong bối cảnh ngành công nghiệp game bùng nổ với tốc độ chóng mặt, các trường học – vốn từng là thành trì bảo vệ học thuật thuần túy – nay bắt đầu nhìn game với con mắt cởi mở hơn. Từ khóa như “esports học đường là gì”, “học esports ở đại học”, “giáo dục qua game” đang dần được tìm kiếm nhiều hơn trên Google, minh chứng cho sự quan tâm đang tăng cao của xã hội. Một sinh viên Đại học Văn Lang từng tham gia giải Valorant sinh viên toàn quốc thì nói vui: “Hồi trước trốn học đi net, giờ net được mang vào trường, mà lại còn là môn thi đấu. Game đúng là đã lên hương!”. Câu nói nửa đùa nửa thật nhưng lại phản ánh đúng thực trạng: eSports không còn là “tội đồ” mà đang từng bước trở thành một phần trong hành trình giáo dục toàn diện.
Việt Nam không thiếu tài năng. Những cái tên như Levi (Liên Minh Huyền Thoại), SofM, hay Crazyguy – game thủ Valorant đầu tiên lọt vào giải đấu lớn – đều khởi đầu từ niềm đam mê thuần túy, tự học, tự chơi, tự vươn lên mà không qua bất kỳ trường lớp chính quy nào. Giờ đây, việc xuất hiện các khóa đào tạo esports, các câu lạc bộ esports học đường và sự kiện như giải đấu game sinh viên, câu lạc bộ esports trong trường đại học, là cơ hội để nuôi dưỡng thế hệ kế cận.
(Crazyguy tài năng của nước nhà là người đầu tiên được tham dự Master Toronto)
Nhiều trường đại học tại TP.HCM và Hà Nội đã mạnh dạn thành lập CLB eSports như HUTECH, UEF, FPT, ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM)..., thậm chí tổ chức cả giải đấu nội bộ có bình luận viên, máy chủ riêng và cả tài trợ từ các hãng công nghệ. Đây là môi trường giúp sinh viên rèn kỹ năng tổ chức sự kiện, truyền thông – những phần không thể thiếu của một giải esports chuyên nghiệp.
Dù được ủng hộ, Esports học đường không tránh khỏi những ánh nhìn hoài nghi, nhất là từ phụ huynh và một bộ phận giáo viên truyền thống. Một vấn đề nữa là thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Hiện nay, chưa có ngành đào tạo Esports chính quy ở bậc đại học. Hầu hết các hoạt động chỉ dừng ở mức phong trào, câu lạc bộ sinh viên hoặc hoạt động ngoại khóa. Các từ khóa như “chuyên ngành esports ở Việt Nam”, “esports có phải là nghề” vẫn chưa ra kết quả rõ ràng khi tra trên Google. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho phòng lab, máy cấu hình cao, thiết bị livestream và nhân lực chuyên môn là điều không phải trường nào cũng kham nổi. Một chiếc máy tính gaming cơ bản đã tốn gần 30 triệu đồng – gấp nhiều lần một bộ dụng cụ thể thao thông thường. Thêm vào đó, việc đào tạo huấn luyện viên, xây dựng giáo trình Esports chuyên biệt, lại càng gian nan hơn.
Câu hỏi đặt ra là: Có thể biến game thành công cụ học tập một cách nghiêm túc và hiệu quả không?Theo nhiều chuyên gia, nếu game được quản lý tốt, có giới hạn và định hướng rõ ràng thì hoàn toàn có thể. Việc đưa esports học đường vào dạy kỹ năng mềm, làm đồ án hoặc hoạt động nhóm là lựa chọn phù hợp. Nhưng nếu quá đà, thiếu kiểm soát, thì game rất dễ trở thành con dao hai lưỡi – nhất là với học sinh THPT chưa đủ khả năng tự cân bằng.
Esports học đường rõ ràng đang mở ra một chương mới cho giáo dục hiện đại. Đó không chỉ là trò chơi nữa, mà là ngành nghề, là đam mê có thể phát triển bài bản – nếu đi đúng hướng.
Nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực, cần lắm sự đầu tư nghiêm túc từ nhà trường, chính sách rõ ràng từ nhà nước, và sự thay đổi tư duy từ xã hội – đặc biệt là phụ huynh. Đưa game vào lớp học có thể là cú đột phá, nhưng phải đảm bảo rằng đó không phải là cửa ngõ dẫn đến… quán net.
Chơi game có thể giúp học giỏi hơn – nếu biết chơi đúng cách. Và biết đâu, từ một câu lạc bộ nhỏ trong trường, ta sẽ tìm ra Levi, SofM hay Crazyguy tiếp theo – những người biến niềm vui sau giờ học thành đỉnh cao sự nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!