Khi dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được trình Quốc hội, nội dung về việc xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc KPI cho công chức, viên chức đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi đây không chỉ là đổi mới kỹ thuật, mà là một cuộc cải cách tư duy trong quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được trình Quốc hội có đề cập đến việc xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc KPI cho công chức, viên chức
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ, KPI không chỉ là bảng chỉ tiêu khô cứng mà là công cụ thúc đẩy con người làm việc hiệu suất, hiệu quả hơn, nhằm phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn.
“Để công cụ KPI phát huy hiệu quả, tránh hình thức, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng được một hệ thống quản trị công vụ hiện đại, trong đó mỗi vị trí việc làm phải được định nghĩa rõ ràng, có đầu ra cụ thể. Quy trình đánh giá phải khách quan, minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình. Quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy của đội ngũ quản lý cán bộ: trước đây chúng ta quản lý theo hồ sơ, thì hiện nay phải chuyển sang quản lý theo hiệu quả công việc”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ
Thực tế, trong nhiều năm qua, đánh giá công chức tại Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào hồ sơ, thời gian công tác và nhận xét cảm tính. Chuyển từ đánh giá cảm tính sang đo lường bằng kết quả, từ quản lý con người sang quản lý công việc, là tinh thần cốt lõi mà hệ thống KPI hướng tới. Nhưng xây dựng KPI như thế nào để không rơi vào hình thức, không tạo gánh nặng số liệu mà vẫn đo đúng hiệu quả là một bài toán không đơn giản.
"Vừa rồi có Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật, đã cho phép đưa ra cơ chế tuyển dụng những người có kinh nghiệm về pháp luật, những người giỏi, có thể được tuyển thẳng vào khu vực công chức và có thể được làm việc kéo dài thời gian hơn so với quy định chung của Bộ luật Lao động. Đây là một trong những chủ trương rất mạnh mẽ của Bộ Chính trị, của Đảng trong việc thay đổi tổ chức bộ máy và nền hành chính", ông Dũng cho biết thêm.
Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Theo tôi, nhu cầu sử dụng KPI để đánh giá cán bộ, công chức trong khu vực công hay khu vực nhà nước là nhu cầu, xu hướng tất yếu trên thế giới, và hiện nay Việt Nam chúng ta đang quyết liệt đưa vào áp dụng như một chủ trương và chính sách đúng đắn. Như chúng ta đã biết, KPI ban đầu xuất phát từ khu vực tư nhân do áp lực cạnh tranh, nhu cầu đo lường rõ ràng. Tuy nhiên, việc áp dụng vào khu vực công lại đi sau".
Ông Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Thực tế, nhiều nước đã áp dụng KPI như một thành tố văn hóa trong quản trị công vụ. Tại Singapore, KPI gắn trực tiếp với lương, thưởng và thăng tiến. Tại Hàn Quốc, phản hồi từ người dân được tích hợp vào hệ thống đánh giá công chức thông qua dịch vụ công trực tuyến. Australia thì coi KPI là thỏa thuận giữa quản lý và nhân viên, không áp đặt từ trên xuống.
"Trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ đã từng áp dụng KPI cho khu vực công từ những năm 1960, còn Malaysia (gần chúng ta) đã áp dụng trước năm 2010. Việt Nam hiện nay đang triển khai những điều đã diễn ra ở các nước trên thế giới cũng như trong khu vực tư nhân. Tôi cho rằng việc sử dụng KPI cho khu vực công là hoàn toàn khả thi. Vấn đề phụ thuộc vào khả năng chúng ta thiết kế KPI như thế nào, chất lượng của bộ KPI ra sao để có thể lượng hóa, cụ thể hóa tốt nhất có thể năng lực làm việc, sự thể hiện trong công việc của từng cán bộ, công chức, gắn với từng vị trí việc làm", tiến sĩ Đáng cho biết thêm.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả công việc KPI cho khu vực công từ rất sớm
Tại Việt Nam, Khánh Hòa đang là điển hình tiên phong. Từ tháng 4/2025, toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh này đã vận hành phần mềm KPI gắn với điều hành văn bản, quy trình nghiệp vụ, đánh giá cán bộ qua kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể mỗi ngày. Đây là mô hình đã chứng minh hiệu quả, giúp tinh gọn bộ máy, sàng lọc năng lực cán bộ thực chất và hướng đến xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời".
"Không có nghĩa là KPI khiến con người phải kiểm điểm lẫn nhau, mà là để thúc đẩy con người làm việc hiệu suất, hiệu quả hơn, nhằm phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn. Chính vì vậy, trong quá trình sau khi Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, Công chức, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức tập huấn, có hệ thống các cán bộ, chuyên gia hướng dẫn cho các vụ tổ chức của các Bộ, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố, đặc biệt là những đơn vị làm thí điểm. Ví dụ như Khánh Hòa đã làm tốt rồi, thì cũng sẽ nhân rộng mô hình này ra để triển khai rộng trong toàn quốc", ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, cần minh bạch hóa toàn bộ quy trình đánh giá, từ xây dựng KPI đến phân tích kết quả, từ xếp loại đến quyết định về lương, thưởng, luân chuyển. Nếu không có hệ sinh thái minh bạch, KPI sẽ dễ bị biến dạng thành công cụ đối phó. Đây là cơ hội để mỗi địa phương chủ động thiết kế bộ KPI phù hợp, tránh áp đặt dập khuôn. Khi KPI trở thành một phần của văn hóa công vụ, cán bộ sẽ thay đổi từ tư duy nể nang sang tư duy trách nhiệm. Đó là nền hành chính hiện đại thực sự: khách quan, minh bạch và phục vụ người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!