Trước chủ trương sáp nhập tỉnh để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, nhiều cán bộ, công chức ở các địa phương liên quan đang bước vào một giai đoạn chuyển mình đầy thách thức. Điều kiện làm việc, môi trường công tác và cả đời sống cá nhân đều sẽ có thay đổi song thay vì lo lắng, nhiều người đã và đang chủ động chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng thích ứng.
Chuyển nơi công tác: Tinh thần là "sẵn sàng"
Việc các sở, ngành sáp nhập theo địa bàn tỉnh mới sẽ khiến công chức phải dịch chuyển địa điểm làm việc, sống xa nhà hoặc trong môi trường hoàn toàn mới. Với anh Phạm Ngọc Tuân – công chức Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình – đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để chuyển về nơi làm việc mới. Anh sẽ chuyển sang làm việc tại Sở KHCN Phú Thọ sau khi Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ hoàn tất sáp nhập.
Từng có 13 năm công tác tại Sở Nội vụ Phú Thọ, anh Phạm Đức Tùng tỏ ra bình tĩnh trước thay đổi: "Khối lượng công việc sẽ nhiều lên, con người cũng sẽ tăng lên do đó sự cạnh tranh trong công việc cũng đôi chút ảnh hưởng. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa để tiếp cận với những lĩnh vực mới, công việc mới có thể được đảm nhận.
Chị Trịnh Thị Thùy Nhung (Sở Nông nghiệp & Môi trường Hòa Bình) cho biết, dù có con nhỏ nhưng chị sẽ cố gắng thu xếp việc gia đình để tiếp tục công tác. Sự chủ động và tinh thần trách nhiệm là điều được nhiều cán bộ xác định rõ ràng ngay từ đầu.
Khi nơi làm việc thay đổi, điều kiện sinh hoạt và đời sống của cả gia đình công chức cũng thay đổi theo. Nhưng với tinh thần trách nhiệm và sự hỗ trợ từ các cấp, nhiều người đã và đang chủ động vượt qua để ổn định công việc và cuộc sống. Các tỉnh cũng bắt đầu xây dựng phương án bố trí xe đưa đón và nhà ở công vụ cho công chức từ xa đến làm việc.
Tỉnh Phú Thọ khẳng định đang nỗ lực triển khai các giải pháp để giúp cán bộ công chức yên tâm công tác, giảm bớt nỗi lo xa gia đình. Ngoài việc bố trí nhà ở công vụ, xe đưa đón thì các địa phương cũng tạo điều kiện về thủ tục nhập học cho con em công chức tại nơi làm việc mới. Cùng với đó, địa phương đã chuẩn bị ký túc xá, khách sạn, nhà khách của tỉnh để đón cán bộ về làm việc.
Trường hợp như anh Tạ Xuân Hòa, công chức tỉnh Hòa Bình, hiện vẫn làm việc xa vợ con, sẽ được tạo điều kiện ổn định sau thời gian đầu. Anh chia sẻ sẽ tính toán đưa cả gia đình sang khi điều kiện cho phép.
Với chị Đỗ Thị Minh Huyền – mẹ hai con nhỏ – việc vừa chăm con, vừa công tác xa không dễ dàng. Tuy nhiên, với sự đồng hành của chồng, chị chọn tiếp tục bám nghề và thích nghi.
Trách nhiệm mới của công chức sau sáp nhập tỉnh
Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, một trong những thay đổi lớn là việc phân cấp, phân quyền được điều chỉnh mạnh mẽ hơn. Cấp xã sẽ có vai trò độc lập trong quản lý và thực thi công vụ, làm việc trực tiếp với các cơ quan cấp tỉnh, thay vì qua cấp huyện như trước. Mục đích là rút ngắn khâu trung gian và nâng cao hiệu quả xử lý công việc. Các công chức thực thi nhiệm vụ cũng sẽ phải thích ứng với những thay đổi này.
Chị Cao Thị Kim Xuân – công chức xã Cao Xá (Phú Thọ) – từng chỉ làm việc với cấp huyện, nay phải thường xuyên báo cáo lên tỉnh: "Tôi phải cố gắng hơn, học thêm để đáp ứng yêu cầu".
Ở cấp tỉnh, chị Hoàng Thị Hồng Hải (Sở Nội vụ Phú Thọ) giờ không chỉ làm việc với các huyện trong tỉnh mà phải phối hợp cùng các xã, huyện của hai tỉnh mới sáp nhập. Khối lượng công việc lớn hơn, tốc độ xử lý phải nhanh hơn.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì việc sửa đổi các luật như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Công chức, viên chức, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhằm đảm bảo việc phân cấp, phân quyền gắn với "đúng người - đúng việc - đúng vị trí", đồng thời định danh rõ ràng từng vị trí việc làm, chức danh trong bộ máy nhà nước.
Sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh không chỉ là thay đổi về mặt tổ chức, mà còn là bước chuyển lớn trong cơ chế vận hành bộ máy nhà nước. Khi phân cấp, phân quyền được thực hiện mạnh mẽ hơn, mỗi cán bộ, công chức đều phải thích nghi với yêu cầu công việc ngày càng cao, linh hoạt và chuyên sâu hơn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để nâng cao chất lượng đội ngũ và hiệu quả phục vụ người dân, hướng tới một nền hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả hơn.
Việc sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy là một phép thử quan trọng đối với mỗi cá nhân. Nếu thật sự cố gắng, các cán bộ công chức có thể trở thành một mắt xích trơn tru trong hệ thống. Một trong những chủ trương lớn của Đảng được thể chế hóa trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận đó là hướng tới một nền hành chính công hiện đại, nơi người giỏi, tài năng được trọng dụng, xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!