Hiện trường một vụ sạt lở tại Lào Cai. (Ảnh: TTXVN)
Gần một năm sau bão số 3, nhiều hộ dân ở thôn Phú Hùng, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai vẫn sống giữa những vết nứt chằng chịt, nơi sườn đồi có thể trượt xuống bất cứ lúc nào. Mối nguy vẫn hiện hữu ngay trên mái nhà của bà con.
Và vì chưa được bố trí nơi ở mới, 8 hộ dân vẫn phải quay về ngôi nhà cũ - nơi được cảnh báo nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm. Với họ, mỗi trận mưa không chỉ là thời tiết cực đoan, mà còn là cảm giác lo lắng, sợ hãi, khi phải sống chung với sạt lở.
Phía sau căn nhà cấp 4 của ông Phạm Văn Bình là sườn đồi rậm cây - nơi những vết nứt dài hàng chục mét sau bão Yagi vẫn có thể nứt thêm. Bụi tre từng đứng vững trên cao nay tụt sâu gần 10m.
Ông Phạm Văn Bình, người dân thôn Phú Hùng chia sẻ: "Chúng tôi già yếu, ngoài 70 tuổi rồi, chỉ mong nơi ở an toàn trong mùa mưa sắp tới, đến nay đã một năm rồi".
Còn với vợ chồng chị Trần Thị Lan, mỗi khi trời mưa gió gia đình chị không dám ngủ, phải thức canh đồi, bật đèn pin theo dõi từng tiếng động lạ.
"Nhà tôi sạt lở từ năm ngoái, là trung tâm của sạt lở. Hiện tại, mùa mưa xuống, mưa to thì vẫn chạy, buổi tối hai vợ chồng vẫn canh, bật đèn soi", chị Trần Thị Lan cho biết.
Tại thôn Phú Hùng, phần lớn các hộ nằm trong vùng sạt lở là người già, thu nhập thấp. Mức hỗ trợ 80 triệu đồng chỉ đủ dựng tạm mái che, chưa thể giúp họ ổn định cuộc sống.
Mưa đầu mùa đã bắt đầu, với người dân nơi đây, mỗi trận mưa không chỉ là thời tiết xấu, mà là tiếng chuông cảnh báo. Họ vẫn phải thức canh đồi, sẵn sàng sơ tán bất cứ lúc nào, bởi chẳng ai biết vết nứt sau nhà sẽ mở rộng đến đâu.
Một mái nhà an toàn là điều cần thiết ngay lúc này đối với người dân, khi thiên tai và nguy cơ sạt lở vẫn hiện hữu từng ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!