Tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nơi hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như dân tộc K’Ho, Cil, công tác tuyên truyền pháp luật vốn gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở và rào cản về ngôn ngữ, trình độ nhận thức. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và cách tiếp cận sáng tạo, lực lượng Công an xã Đạ Sar đã và đang nỗ lực không ngừng để đưa tiếng nói của người dân đến với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013, góp phần xây dựng một bản Hiến pháp phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân.
Công an xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương: Nỗ lực tuyên truyền, đưa Hiến pháp 2013 đến đồng bào DTTS. (Tư liệu: Công an tỉnh Lâm Đồng)
Hành động nhanh chóng, phương châm gần dân
Ngay sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 công bố Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân từ ngày 6/5/2025 đến 29/5/2025, Công an xã Đạ Sar đã nhanh chóng triển khai các hoạt động tuyên truyền với phương châm "dân biết, dân hiểu, dân tích cực tham gia". Các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, trực tiếp đến từng thôn, bản để hướng dẫn bà con sử dụng ứng dụng VNeID – một công cụ tiện lợi giúp người dân tham gia góp ý dự thảo ngay tại nhà.
Để phù hợp với đặc điểm văn hóa và trình độ nhận thức của đồng bào DTTS, lực lượng Công an xã đã lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt tôn giáo, họp thôn và các hoạt động cộng đồng. Các tài liệu tuyên truyền được chuẩn bị ngắn gọn, dễ hiểu, sử dụng ngôn ngữ gần gũi để bà con dễ dàng tiếp cận. Đặc biệt, nhận thấy nhiều người dân sáng sớm đi làm rẫy, tối muộn mới về, các chiến sĩ Cảnh sát khu vực cùng lực lượng an ninh trật tự cơ sở đã tăng cường làm việc vào buổi tối, kiên nhẫn giải thích các nội dung sửa đổi trong dự thảo, như quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, và quyền công dân.
Các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Đạ Sar không quản ngại khó khăn, trực tiếp đến từng thôn, bản để hướng dẫn bà con sử dụng ứng dụng VNeID.
Vượt qua rào cản, lan tỏa tinh thần dân chủ
Công tác tuyên truyền tại một địa bàn có đông đồng bào DTTS như Đạ Sar không hề dễ dàng. Nhiều người dân, do hạn chế về trình độ học vấn và ngôn ngữ, ban đầu còn e dè khi được mời tham gia góp ý. Một số người gặp khó khăn trong việc sử dụng ứng dụng VNeID do quên mật khẩu hoặc mất thẻ sim. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tận tình của các chiến sĩ Công an, nhiều bà con đã được con cháu trong gia đình hướng dẫn thêm, từ đó tiếp cận và tham gia đóng góp ý kiến một cách thuận lợi.
Ông Liêng Jrang Ha Solly (người dân thôn 2, xã Đạ Sar) chia sẻ: "Khi làm cái này và đóng góp vào Hiến pháp, nhiều bà con không mở được ứng dụng vì quên mật khẩu hay mất sim. Nhưng nhờ con cháu hỗ trợ và sự giúp đỡ tận tình của Công an, đến từng thôn, từng nhà, bà con rất vui mừng vì việc này thuận lợi, không phải đi xa."
Chị Kơ Să Su Lin (người dân thôn 3, xã Đạ Sar) bày tỏ: "Người dân ở đây thường đi làm rẫy xa, chỉ tranh thủ được buổi tối. Cảm ơn Công an xã Đạ Sar đã dành thời gian vào buổi tối để hỗ trợ bà con. Việc sửa đổi Hiến pháp 2013 rất quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Mong bà con dành chút thời gian cùng chung tay góp ý để xã nhà ngày càng tiến bộ."
Anh Trần Vũ Đức Thịnh (người dân thôn 1, xã Đạ Sar) hào hứng cho biết: "Em thấy rất vui vì được các anh Công an hướng dẫn tận nhà, giúp người dân hiểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Làm qua VNeID rất tiện lợi, ngồi ở nhà cũng làm được. Em sẽ tiếp tục hướng dẫn lại cho hàng xóm xung quanh."
Sáng tạo trong cách tiếp cận
Ngoài việc trực tiếp đến từng hộ dân, Công an xã Đạ Sar còn tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo "Vì bình yên cuộc sống" và Fanpage "Công an xã Đạ Sar để đăng tải video hướng dẫn, bài viết ngắn gọn về cách tham gia góp ý qua VNeID. Những bài đăng này không chỉ thu hút sự quan tâm của người trẻ mà còn lan tỏa thông tin đến các thành viên trong gia đình, tạo hiệu ứng cộng đồng mạnh mẽ.
Công an xã Đạ Sar tận dụng các nền tảng mạng xã hội để thông tin đến người dân.
Trung tá Nguyễn Viết Thành - Trưởng Công an xã Đạ Sar, chia sẻ: "Chúng tôi quán triệt cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu kỹ dự thảo để hiểu rõ các nội dung sửa đổi, từ đó vận dụng vào thực tế địa phương. Hiến pháp là luật gốc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Với mô hình mới tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, để điều chỉnh từ hiến pháp rồi thay đổi, sửa đổi hiến pháp sau đó điều chỉnh các luật và nghị định khác phù hợp hơn với thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi tuyên truyền cụ thể, chi tiết để người dân hiểu rõ và đồng tình ủng hộ."
Tính đến nay, Công an xã Đạ Sar đã hỗ trợ hàng ngàn lượt người dân đăng nhập và gửi ý kiến góp ý qua VNeID. Các tổ công tác, phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại nhà văn hóa các thôn, thu hút đông đảo bà con tham gia. Những ý kiến đóng góp của người dân không chỉ tập trung vào quyền lợi thiết thân mà còn đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế, bảo vệ văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
Dù thời gian lấy ý kiến chỉ kéo dài đến ngày 29/5/2025, Công an xã Đạ Sar vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tham gia. Với các chiến sĩ, việc hướng dẫn bà con góp ý dự thảo không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là cầu nối đưa pháp luật đến gần hơn với đồng bào DTTS, lan tỏa tinh thần dân chủ, minh bạch và khẳng định vai trò quan trọng của người dân trong việc xây dựng một bản Hiến pháp hoàn thiện, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!