Sự cố tràn dầu trên sông Lòng Tàu làm hơn 5 tấn cá nuôi lồng bè của ngư dân bị chết sau vụ tai nạn giữa 2 tàu hàng. Video: Phong Nguyễn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ, số hộ nuôi trồng hải sản bị thiệt hại do tràn dầu tính đến ngày 12/5 là 25 hộ. Tổng lượng hải sản bị thiệt hại là 5.360kg.
Cá nuôi lồng bè của ngư dân bị chết trên sông Lòng Tàu. Ảnh: CTV.
Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, đến ngày 12/5, lực lượng chức năng đã hút khoảng 56m³ từ hầm hàng số 4 và 5 tàu Glengyle, nâng tổng số dầu lẫn nước được hút lên 1.317m³. Đồng thời, đã thu hồi khoảng 200 lít nước nhiễm dầu FO (nâng tổng lượng lên 18,1m³) và 767,5 kg vật tư, rác nhiễm dầu tại khu vực hiện trường (nâng tổng số rác thu hồi lên 7.737kg). Hiện nay, các lực lượng của thành phố vẫn tiếp tục xử lý sự cố.
Anh Lê Quang Phục - Trưởng đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) - cho biết: Sự cố tràn dầu chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn ứng phó khẩn cấp diễn ra từ ngày 26 đến 28/4/2025, do Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh chủ trì. Sau đó, Cảng vụ điều động hai phao tạm để neo lại tàu, chuyển sang giai đoạn cứu hộ, kéo dài từ ngày 29/4 đến nay, và tiếp tục cho đến khi hai tàu được tách ra.
Hiện trường vụ tai nạn.Ảnh: P.N.
Trong thời gian này, đơn vị SOS được phân công trực tại hiện trường để xử lý dầu tràn từ tàu. Tính đến nay, đơn vị đã thu gom hơn 20 tấn dầu, nước nhiễm dầu và hơn 3 tấn rác thải nguy hại trên sông.
Dầu tràn quanh khu vực 2 tàu xảy ra va chạm. Ảnh: P.N.
Sau khi hai tàu được tách, sự cố sẽ bước sang giai đoạn 3: xử lý ô nhiễm bờ và rừng ngập mặn xung quanh. Đến nay, đã có hơn 17ha rừng bị ảnh hưởng. Chủ tàu đã mời các chuyên gia của Công ty ITOPF (Pháp) đến Việt Nam để phối hợp xử lý. Phương án khắc phục đã trình UBND huyện Cần Giờ thẩm định và vừa được họp góp ý, chờ phê duyệt. Hiện tại là "thời gian vàng" để thu gom dầu, tránh để lan rộng và ngấm sâu vào hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Dầu tràn quanh khu vực 2 tàu gặp nạn.Ảnh: P.N.
Dầu tràn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nước và các sinh vật sống trong đó. Nó cũng gây tác động đến sức khỏe người dân xung quanh. Với hệ sinh thái rừng ngập mặn, chỉ cần 0,1mg dầu trên 1m³ nước đã đủ làm chết sinh vật phù du, gây hiện tượng ung trứng, khiến thủy sản giảm mạnh. Dầu cũng ngấm vào vi sinh vật, đặc biệt là hải sản. Khi con người ăn phải, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Dầu tràn ban đầu nổi trên mặt nước, nhưng để lâu sẽ chìm xuống đáy, gây ô nhiễm trầm tích. Tác hại của dầu rất lớn và khó phân hủy. Có thể mất hàng thế kỷ mới tiêu biến hoàn toàn.
Theo các chuyên gia dầu tràn không xử lý kịp thời rất nguy hiểm cho môi trường và các sinh vật dưới nước. Ảnh: P.N.
Ông Võ Hữu Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Phó Ban chỉ huy phòng thủ dân sự – tìm kiếm cứu nạn huyện - cho biết: Ngay sau khi nhận thông tin từ các hộ dân giữ rừng, huyện đã kích hoạt cơ chế phản ứng nhanh theo chỉ đạo của thành phố. Sở chỉ huy tiền phương được thành lập, đặt tại Ban Quản lý rừng - gần hiện trường vụ va chạm. Huyện phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Công an, Cảng vụ… tiếp cận hiện trường, cô lập vết dầu loang, điều tiết các phương tiện di chuyển qua khu vực này. Thành phố giao cho hai đơn vị xử lý ô nhiễm khảo sát, đề xuất giải pháp và xử lý ngay tại chỗ phần đất rừng bị nhiễm dầu.
Lá cây rừng dính dầu tràn bị hoé úa. Ảnh: P.N
Huyện đang phối hợp cùng Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Tư lệnh thành phố, UBND các xã, thị trấn, ngư dân và hộ giữ rừng để vớt dầu, rửa lá và cây bị dính dầu, đặc biệt là cây đước. Huyện đang vận động người dân thu gom dầu để bàn giao cho đơn vị chuyên trách xử lý.
Về phương án xử lý lâu dài, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch cụ thể. Luồng hàng hải do Cảng vụ TP. Hồ Chí Minh phụ trách. Việc xử lý dầu và đất rừng nhiễm dầu do chủ tàu ký hợp đồng với Trung tâm SOS đảm nhiệm. Huyện đã thống nhất phương án xử lý với các bên liên quan và đang chờ UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.
Lức lượng SOS đang thu gom dầu tràn quanh khu vực 2 tàu gặp nạn. Ảnh: P.N.
Trước đó, vào khoảng 22h40 ngày 25/4, tại khu vực cột đèn số 15 trên sông Lòng Tàu (thuộc xã An Thới Đông, cách ngã ba Rạch Đôn khoảng 200m), tàu container KMTC SURABAYA và tàu hàng rời GENGLYLE va chạm.
Vụ việc không gây thương vong và không ảnh hưởng đến hàng hóa, nhưng cả hai tàu đều bị hư hỏng phần mũi và làm dầu tràn ra sông. Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để xử lý và triển khai ứng phó sự cố tràn dầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!