Chụp ảnh kỷ yếu: Đừng để kỷ niệm học trò thành gánh nặng với phụ huynh

Kiều Anh-Thứ ba, ngày 20/05/2025 18:06 GMT+7

bangdatally.xyz - Những bộ ảnh kỷ yếu từng là cách học sinh ghi dấu kỷ niệm cuối cấp, giờ đây ngày càng trở nên cầu kỳ, đắt đỏ khiến không ít phụ huynh phải "đau đầu" với bài toán chi phí.

Từ áo dài trắng đến cổ trang, dạ hội

Tháng 5 là thời điểm nhiều học sinh cuối cấp tất bật lên ý tưởng, tìm chủ đề, đặt lịch chụp ảnh kỷ yếu – một hoạt động gần như "mặc định" trước khi chia tay mái trường. Tuy nhiên, nếu như trước đây, chụp kỷ yếu đơn giản chỉ là mặc đồng phục, tạo dáng trước cổng trường, thì hiện nay, mỗi lớp lại cố gắng tìm một phong cách độc đáo: cổ trang, dạ hội, thậm chí tái hiện lại hình ảnh thời bao cấp hay vũ trụ giả tưởng.

Chụp ảnh kỷ yếu: Đừng để kỷ niệm học trò thành gánh nặng với phụ huynh - Ảnh 1.

Những chủ đề chụp kỷ yếu cầu kỳ được các bạn học sinh ưa chuộng thời gian gần đây.

Không chỉ dừng ở trang phục, nhiều lớp còn thuê hẳn ê-kíp quay dựng, flycam, make-up chuyên nghiệp, hậu kỳ clip "lookbook" dài 5–10 phút như video ca nhạc. Chi phí vì thế cũng không còn khiêm tốn: từ 1,5 đến 3 triệu đồng/học sinh, thậm chí có lớp "chịu chơi" chi hơn 5 triệu cho một buổi chụp ảnh – con số không nhỏ với nhiều gia đình.

Chị Nguyễn Thị Lệ, một phụ huynh ở TP Hồ Chí Minh có con học lớp 12, chia sẻ: "Tôi không phản đối việc con có kỷ niệm với bạn bè, nhưng lớp con báo chi phí hơn 2 triệu/người, gồm thuê studio, trang phục, make-up, xe đưa đón… Tôi thật sự giật mình!"

Nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ băn khoăn khi chi phí kỷ yếu đang bị đẩy lên quá cao. Một số trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc phải xin miễn, hoặc con em phải tự xoay sở tiền bằng cách bán hàng online sau giờ học.

Một phụ huynh ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: "Chụp ảnh kỷ yếu mà như cưới gả vợ chồng. Lúc con đưa ảnh kỷ yếu cho tôi xem, tôi thực sự không đồng ý khi tạo hình cho đến trang phục của các cháu quá trưởng thành so với độ tuổi".

Góc nhìn từ người trẻ: Một lần để nhớ

Trái với e ngại của phụ huynh, nhiều học sinh lại cho rằng đây là kỷ niệm cuối cùng với thời học sinh. Điều mà sau này không dễ lặp lại. "Em biết số tiền là lớn, nhưng cả lớp ai cũng hào hứng, mong có những tấm hình thật đẹp, độc lạ. Chúng em thống nhất không ép buộc, bạn nào khó khăn thì lớp sẽ hỗ trợ một phần", Minh Anh, học sinh lớp 12 chia sẻ.

Anh Phạm Trí Thanh, nhiếp ảnh gia chuyên chụp kỷ yếu học đường tại TP Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi mùa anh nhận 20–30 lớp, mỗi lớp sẽ có những nhu cầu chụp khác nhau.

Xu hướng chụp kỷ yếu ở thời gian đầu là tái hiện lại những điều vui nhất ở các lớp học. Tuy nhiên, sau 1 thời gian phát triển, các ê-kíp bắt đầu tạo ra các concept độc và lạ hơn. Việc hóa thân thành "tổng tài", "cô dâu" hay các thể loại trang phục mà các bạn học sinh mong muốn đã thực sự thay đổi, gây tranh cãi về việc những concept đấy có thực sự phù hợp với lứa tuổi các bạn hay không.

Chụp ảnh kỷ yếu: Đừng để kỷ niệm học trò thành gánh nặng với phụ huynh - Ảnh 2.

Vẫn có những tập thể chọn bộ ảnh mang dấu ấn về quê hương, đất nước và gần gũi với lứa tuổi học sinh.

Chụp ảnh kỷ yếu: Đừng để kỷ niệm học trò thành gánh nặng với phụ huynh - Ảnh 3.
Chụp ảnh kỷ yếu: Đừng để kỷ niệm học trò thành gánh nặng với phụ huynh - Ảnh 4.

Những khoảnh khắc đời thường được ghi lại đầy cảm xúc.

"Về cá nhân mình thì vẫn theo tư duy chụp hình truyền thống, đó là hạn chế tư vấn chụp concept không phù hợp với các bạn học sinh. Các concept các bạn chụp không sai nhưng dựa theo những cái đó để làm đẹp hơn cho những bộ hình về thanh xuân trường lớp thì thực sự không phù hợp", anh Thanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, người làm nghề cũng thừa nhận, nhiều ê-kíp cũng "hùa theo thị trường" đẩy giá lên hoặc quảng bá concept độc – lạ – đắt tiền để hút khách.

Lưu giữ thanh xuân là đáng trân trọng, nhưng đừng thành áp lực

Từ lưu bút, cuốn sổ tay, chiếc khăn tay thêu chữ… đến những tấm ảnh chụp chung cả lớp – từ bao thế hệ nay, học sinh Việt Nam đều mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng dưới mái trường. Ở thời đại số, khi mọi ký ức có thể ghi lại bằng hình ảnh, video, hoạt động chụp ảnh kỷ yếu trở thành một phần gần như "mặc định" của tuổi học trò, đặc biệt với học sinh cuối cấp.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội), chụp ảnh kỷ yếu là một hoạt động văn hóa tích cực, cần được khuyến khích. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng nếu biến tướng thành "cuộc đua hình thức", hay gây áp lực tài chính cho học sinh và phụ huynh, thì điều đó đi lệch khỏi tinh thần ban đầu.

Bộ ảnh kỷ yếu – dẫu đầu tư nhiều hay ít – vẫn là phương tiện lưu lại quãng đời đẹp nhất của mỗi con người. Nhưng đôi khi, một buổi lễ chia tay ấm áp, những dòng lưu bút giản dị, cũng đủ làm nên ký ức không phai.

Hoạt động chụp kỷ yếu nên được tiếp tục, với sự hỗ trợ hợp lý từ nhà trường, phụ huynh và chính các em học sinh. Điều quan trọng là giữ đúng tinh thần lưu giữ kỷ niệm, tránh biến nó thành áp lực tài chính, hay cuộc chạy đua hình ảnh không cần thiết. Để những tấm ảnh năm cuối không chỉ là đẹp – mà còn chan chứa cảm xúc và thật sự đáng nhớ.

INFOGRAPHIC: Những mốc thời gian thi tốt nghiệp THPT 2025 thí sinh cần lưu ý INFOGRAPHIC: Những mốc thời gian thi tốt nghiệp THPT 2025 thí sinh cần lưu ý

bangdatally.xyz - Thí sinh chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần nhớ những mốc thời gian quan trọng sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước