Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra (26-27/6), với hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi. Đây cũng là kỳ thi đánh dấu bước chuyển đổi lớn, khi lần đầu tiên có 2 nhóm thí sinh dự thi theo hai chương trình giáo dục khác nhau: chương trình mới 2018 và chương trình cũ 2006. Với các em học sinh, từng ngày lúc này không chỉ là đếm ngược, mà là chạy nước rút rồi.
Học sinh Đặng Hà Sơn, Lớp 12 Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: "Yếu tố luyện đề là quan trọng nhất vì kiến thức hầu hết là các bạn hoàn thành. Mình phải luyện đề nhiều, làm nhiều và chữa nhiều".
"Giai đoạn này các thầy cô sẽ nhìn được điểm mạnh, điểm yếu của học sinh thông qua hệ thống đề luyện. Ví dụ đề Toán có 22 câu, khi chấm điểm câu nào sai, câu nào đúng, thầy cô sẽ biết các em có hổng kiến thức không, và phải bổ trợ để các em không hổng nữa", thầy giáo Lê Anh Tuấn, Bộ môn Toán, Hà Nội chia sẻ.
Hầu hết các trường THPT trong cả nước đã kết thúc chương trình chính khóa và bước vào giai đoạn tổng ôn.
Đề thi từ năm nay không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đây là thời điểm vàng để giáo viên hỗ trợ học sinh sơ đồ tư duy lại kiến thức đã được học suốt nhiều năm qua.
Cô giáo Lê Thị Thanh Tâm, Bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội cho biết: "Theo thông tư 29, thời lượng ôn môn Văn tại trường hiện nay chỉ 2 tiết/tuần. Vì thế, chúng tôi cũng tạo nên tạo tài liệu ôn tập để giúp các em chủ động học tăng kỹ năng làm bài".
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tiệp, Bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội cho rằng: "Bất cứ một văn bản nào cũng đảm bảo đặc trưng riêng. Giai đoạn tổng ôn này ‘trăm hay không bằng tay quen’. Không phải làm nhiều là tốt mà phải làm chất lượng. Bản thân các em phải có bài học rút ra sau quá trình làm đề".
Công tác chuẩn bị từ đề thi, chống gian lận thi cử, đặc biệt sắp xếp nhân lực để tổ chức kỳ thi một cách an toàn trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn bộ máy, đã được quán triệt và tính toán.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ giáo dục và Đào tạo cho hay, tất cả các khâu chủ yếu là cấp Sở tham mưu cho UBND tỉnh. Hiện nay 63 tỉnh thành đã chỉ đạo và chọn người đúng vào Ban chỉ đạo. Mặc dù có sự sát nhập sau 30/6 nhưng các địa phương chủ động bố trí. Do vậy, các địa phương đã sẵn sàng cho việc thi.
Năm 2025, kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới được diễn ra, đánh dấu bước ngoặt thay đổi cách thức dạy học và kiểm tra. Kỳ thi năm nay được tổ chức cho hai nhóm thí sinh, tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 và cũ của năm 2006. Sự nỗ lực của sỹ tử ngày hôm nay sẽ là thành công của ngày mai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!