CEO của Duolingo nhận định gây tranh cãi: AI sẽ trở thành giáo viên tốt hơn con người
Luis von Ahn, nhà sáng lập và CEO của Duolingo, vừa đưa ra một quan điểm đầy thách thức nhưng cũng không kém phần hấp dẫn: không có gì mà một cỗ máy không giảng dạy được. Trong một cuộc trò chuyện gần đây trên podcast No Priors, ông chia sẻ niềm tin rằng AI, với khả năng cá nhân hóa và hiểu sâu sắc về hành vi học tập của con người, sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc định hình giáo dục thế kỷ 21.
Tuy nhiên, von Ahn cũng cho rằng vai trò của con người, đặc biệt là trong việc chăm sóc và hỗ trợ học sinh, vẫn là yếu tố không thể thay thế. “Tôi không nghĩ giáo viên sẽ biến mất”, ông nhấn mạnh.
Duolingo, nổi tiếng với linh vật cú xanh dễ thương, đang chứng minh tầm nhìn ấy bằng hành động. Từ việc thay CEO bằng một avatar AI trong cuộc họp cổ đông, đến việc công bố sẽ thay thế toàn bộ nhân viên hợp đồng bằng trí tuệ nhân tạo, công ty đang đặt cược lớn vào AI: họ không chỉ sử dụng nó như một công cụ, mà coi trí tuệ nhân tạo như một triết lý giáo dục cốt lõi.
Nhân vật "cú xanh" biểu tượng của Duolingo - Ảnh: Adobe Stock.
Với hơn 116 triệu người dùng mỗi tháng, Duolingo đã tạo dựng được kho dữ liệu khổng lồ về hành vi học tập, từ khả năng dự đoán điểm thi của học viên, cho đến những chiến lược “giữ chân” người học lâu dài. Họ đã tiến hành hơn 16.000 thử nghiệm A/B để tối ưu hóa từng khía cạnh nhỏ nhất: từ thời điểm lý tưởng để gửi lời nhắc, đến mức độ khó tinh chỉnh cho từng bài tập.
Von Ahn tin rằng chính sự “có thể mở rộng” của AI là điều làm nên sự khác biệt. Trong khi một giáo viên chỉ có thể dạy một lớp với vài chục học sinh, AI có thể đồng thời theo sát từng cá nhân, nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu và điều chỉnh tiến trình học theo từng học viên một cách chính xác đến đáng kinh ngạc.
Ông dự đoán giáo dục sẽ thay đổi một cách căn bản, bởi “việc dạy bằng AI có khả năng mở rộng cao hơn nhiều so với giáo viên con người”. CEO von Ahn cũng nói thêm: “Tôi không nghĩ giáo viên sẽ biến mất, chúng ta vẫn cần người chăm sóc học sinh. Tôi cũng không cho rằng trường học sẽ biến mất, bởi xã hội vẫn cần nơi trông giữ trẻ”.
Người dẫn chương trình Sarah Guo đã xen vào để làm rõ: “Theo quan điểm của ông, trường học sẽ là nơi trông trẻ còn tất cả mọi người sẽ học bằng Duolingo?”.
“Tôi nghĩ sẽ là một thứ gì đó giống như vậy”, von Ahn đáp.
Duolingo đang cải tổ bằng AI - Ảnh: Duolingo.
Thực tế, các mô hình học mới đã bắt đầu xuất hiện. Tạp chí Newsweek gần đây có bài viết về Alpha School, một chuỗi trường tư từ mẫu giáo đến lớp 12 nơi học sinh chỉ học 2 tiếng mỗi ngày với sự hỗ trợ của AI. Tại đó, giáo viên được gọi là “hướng dẫn viên”, và trách nhiệm của họ “chủ yếu cung cấp hỗ trợ tinh thần và tạo động lực thay vì soạn bài giảng, giảng dạy hay chấm điểm”.
Hiện Alpha School có học phí dao động từ 40.000-65.000 USD/năm, với 4 cơ sở đã đi vào hoạt động và 8 cơ sở đang được triển khai.
Dù vậy, von Ahn không kỳ vọng sự thay đổi sẽ đến ngay tức khắc. “Giáo dục vẫn là một lĩnh vực vận hành chậm”, ông nói. Nhưng với tầm nhìn rõ ràng, nền tảng công nghệ vững chắc và sự nhạy bén trong việc khai thác dữ liệu, Duolingo có thể chính là hình mẫu cho một kỷ nguyên giáo dục mới, nơi AI không thay thế con người, mà giúp con người dạy và học tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!