Ngành anime Nhật Bản đón chào AI: làm công việc của 1 tuần trong 1 ngày, giải quyết khủng hoảng lao động
Khi xu hướng biến tranh ảnh thành sản phẩm mang phong cách hoạt hình Studio Ghibli nổi khắp cõi mạng, một cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề bản quyền đã nổ ra trên internet. Bản thân Studio Ghibli không tham gia cuộc tranh luận này, nhưng điều đó không thể ngăn cản cư dân mạng chia sẻ nhận định của Hayao Miyazaki đưa ra hồi năm 2016.
Trong một buổi phỏng vấn, họa sĩ, nhà làm phim và đồng sáng lập Studio Ghibli nói ông “tuyệt đối ghê tởm” trước nội dung do AI tạo ra, đồng thời gọi những sản phẩm dạng này là “lời phỉ báng tới chính sự sống”. Tuy nhiên, những lời chỉ trích nặng nề của một bậc kỳ tài cũng không thể chặn lại xu hướng tất yếu.
Hayao Miyazaki không có thiện chí với sản phẩm do AI tạo ra - Ảnh: IMDB.
Vào năm 2019, Luật bản quyền Nhật Bản được sửa đổi, và nội dung thường được hiểu là cho phép sử dụng tác phẩm có bản quyền để huấn luyện công cụ AI mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu. Luật này cởi mở hơn đáng kể so với các quy định tại Châu Âu hay Mỹ, được đưa ra nhằm thu hút nhà đầu tư AI đến đất nước Mặt Trời mọc.
Nghệ sĩ Nhật Bản lo lắng trước xu thế thời đại. Theo khảo sát năm 2023 của tổ chức Arts Workers Japan, thu thập ý kiến của gần 27.000 người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, 94% nghệ sĩ Nhật bày tỏ lo ngại về việc AI xâm phạm bản quyền. Trong khi đó, Cơ quan Các vấn đề Văn hóa Nhật Bản đã làm rõ rằng quy định nới lỏng nói trên không áp dụng nếu việc khai thác tác phẩm “gây tổn hại một cách phi lý đến lợi ích của chủ sở hữu bản quyền”.
Tuy vậy, cuộc chiến bản quyền vẫn chưa thể ngã ngũ, và nội dung sinh ra bằng AI đã tác động mạnh mẽ tới nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình.
Ngành anime Nhật đối mặt với khủng hoảng lao động
Trong chiến dịch phủ sóng thương hiệu “Cool Japan” ra quốc tế, Nhật Bản đã tích cực quảng bá các sản phẩm văn hóa đặc trưng, trong đó phim hoạt hình Nhật Bản (anime) là một trong những mặt hàng chủ lực, một thứ “quyền lực mềm” nhiều quốc gia phải ao ước.
Làn sóng yêu thích anime toàn cầu đã đẩy thị trường nội địa Nhật lên mức cao kỷ lục vào năm 2023; báo cáo thường niên của Hiệp hội Hoạt hình Nhật Bản cho thấy khoảng 300 phim truyền hình anime ra đời trong thời điểm này. Để phục vụ sản lượng anime ngày một lớn, các studio đã đang triển khai ứng dụng AI trong sản xuất.
Đoạn phim ngắn Dog & The Boy của Netflix Japan, ra mắt năm 2023, cũng sử dụng hình ảnh nền do AI tạo ra. Phim anime đầu tiên sử dụng AI trong sản xuất có tên Twins Hinahima đã ra mắt vào tháng 3 năm nay.
Bộ phim chiếu truyền hình Twins Hinahima có sử dụng AI trong sản xuất - Ảnh: KaKa Technology Studio.
Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp anime đang thiếu hụt lao động trầm trọng vì điều kiện làm việc không hấp dẫn. Báo cáo năm 2024 của Hiệp hội Văn hóa Phim và Hoạt hình Nhật Bản cho thấy người lao động làm việc quá sức trong khi nhận mức thù lao thấp; họ thường phải nhận mức lương theo giờ thường dưới mức tối thiểu quy định.
Theo giáo sư Roland Kelts, chuyên gia về anime và giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Waseda, AI có thể trở thành giải pháp lấp đầy khoảng trống này. “Dân số đang giảm, số lượng nghệ sĩ trẻ không nhiều, và họ bị trả lương rất thấp cho khối lượng công việc khổng lồ”, ông nói với đại diện của hãng truyền thông DW.
Studio K&K Design là một cái tên khác đang tích hợp AI vào quy trình sản xuất anime. Họ sử dụng một phiên bản đã qua tuỳ chỉnh của mô hình Stable Diffusion nổi tiếng. Công cụ AI này hỗ trợ tô màu, tạo nền, và có khả năng biến ảnh và video thành những đoạn phim ngắn. Phó chủ tịch công ty, ông Hiroshi Kawakami khẳng định AI đã đang giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Ông cho biết, một đoạn anime dài 5 giây, vốn cần một tuần để vẽ tay, nay chỉ mất một ngày nếu sử dụng AI với hai bản vẽ đầu vào.
Mô hình AI chỉ cần 2 tấm ảnh để tạo ra đoạn phim dài 5 giây - Ảnh: K&K Design Japan.
Tuy 60% nghệ sĩ Nhật lo ngại bị mất việc vì AI (theo khảo sát của Arts Workers Japan), ông Kawakami nhấn mạnh rằng AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ và không thể thay thế con người trong đánh giá hình ảnh hay sáng tạo ý tưởng.
Một nền văn hóa chấp nhận công nghệ
Theo nhận định của giáo sư Kelts, các studio anime thường sản xuất phim cho khung giờ đêm, và AI có thể giúp đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, ông không cho rằng điều đó đe dọa tới sức sáng tạo tại Nhật Bản. Kelts lý giải rằng người Nhật không coi việc AI tạo ra phiên bản One Piece trong vài năm tới là điều đáng lo ngại.
“Trong Thần đạo, vạn vật đều có kami, hay linh hồn … nên người Nhật ít lo lắng hơn về robot, AI hay công nghệ vì với họ, công nghệ được hòa quyện với tự nhiên”, ông nhận xét. Ông Kelts viện dẫn chứng về Astro Boy, một trong những nhân vật anime đầu tiên có sức ảnh hưởng toàn thế giới, là một cậu bé nửa người nửa máy.
Astro Boy - Một trong những biểu tượng nổi tiếng của ngành công nghiệp manga/anime - Ảnh: Imagi Crystal/ZUMA Press/Imago.
Những tín hiệu từ Hollywood
Xu hướng AI đang ảnh hưởng đến các nhà làm phim toàn cầu, và nhiều người đã tích hợp công nghệ này vào công việc.
Nhà làm phim độc lập người Canada, anh Taylor Nixon-Smith đang nghiên cứu tác động của AI đối với ngành điện ảnh. Anh chia sẻ rằng mình đã đang sử dụng ChatGPT để lập danh sách công việc trước khi quay, tổng hợp nghiên cứu và soạn thảo hợp đồng vận hành. Tuy vậy, anh nhấn mạnh rằng phần lớn các công việc điện ảnh vẫn cần con người đảm nhiệm.
“Bạn vẫn cần nhà thiết kế phục trang lên bảng mẫu, vẫn cần người mua sắm, và thợ may để tạo trang phục vừa vặn với diễn viên”, Nixon-Smith nói.
Charlie Fink, nhà sản xuất từng cộng tác với Disney và hiện là giảng viên AI điện ảnh tại Đại học Chapman, tin rằng công nghệ AI đang phát triển sẽ “dẫn đến một kỷ nguyên vàng mới cho Hollywood”, nơi một cá nhân có thể làm phim chỉ với vài nghìn USD. Fink cho rằng việc cần đến hàng trăm người để sản xuất một bộ phim hành động sẽ sớm trở thành quá khứ.
Hiện tại, diễn viên vẫn đóng vai trò trung tâm, nhưng ông dự đoán rằng “diễn xuất bằng AI sẽ hoàn toàn thay đổi trong vài năm tới”. Mối lo về tương lai đó đã khiến giới diễn viên Hollywood tổ chức đình công vào năm ngoái nhằm đòi quyền bảo vệ trước AI.
Tháng trước, Quốc hội Mỹ đã tái trình dự luật NO FAKES nhằm ngăn chặn việc tạo bản sao AI trái phép. Dự luật này được nhiều ông lớn ngành giải trí ủng hộ, bao gồm Walt Disney, YouTube và cả OpenAI. Tuy nhiên, theo Fink, luật này có thể chỉ là giai đoạn đầu của quá trình chấp nhận sự thật. Ông cho rằng AI là xu thế không thể đảo ngược, và nó sẽ dần thay thế cả diễn viên lẫn nhà sản xuất.
“Sự gián đoạn cũng đồng nghĩa với cơ hội”, ông nhận định.
Theo DW
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!