Trong nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng trước các biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn này cũng là cơ hội để DN chủ động tái cấu trúc, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, qua đó tạo ra những thay đổi tích cực hơn vè lâu dài.
Đà Nẵng hiện có hơn 70 doanh nghiệp có quan hệ xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ, đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của thành phố, chỉ sau Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn năm 2024 với nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu trên 50% vào thị trường này, trong đó dệt may là một trong những ngành xuất khẩu điển hình. Nhiều giải pháp cấp bách đã được các doanh nghiệp dệt may triển khai trước các thách thức của bối cảnh mới.
Hiện nay, các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đang xúc tiến các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề thuế quan. Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán, các doanh nghiệp xuất khẩu của Đà Nẵng đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng vệ thương mại; chủ động đàm phán với các nhà nhập khẩu để chia sẻ gánh nặng về thuế; cùng với đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không "bỏ trứng vào một giỏ".
Hiện nay hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng vẫn đối mặt với không ít thách thức, như quy mô doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ, khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế còn hạn chế; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới dạng gia công, thiếu thương hiệu riêng. Đặc biệt, mặc dù Việt Nam đã tham gia 16 FTA, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả Đà Nẵng, vẫn chưa đạt mức tối ưu, dư địa tận dụng còn rất lớn. Trước các thách thức đó, chính quyền TP Đà Nẵng đã thực thi nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tiếp cận các thông tin thuế quan, các tiêu chuẩn kỹ thuật sớm nhất để chủ động thích ứng.
Thành phố Đà Nẵng đã thực thi các chương trình hoạt động khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng, từ đó tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Những khó khăn từ việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp chủ động tái cấu trúc để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn. Và để thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!