Giải đấu Liên Minh Huyền Thoại hàng đầu Hàn Quốc – LCK (League of Legends Champions Korea) – đang trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có khi báo cáo tài chính năm 2024 cho thấy mức lỗ gần 20 triệu USD, nâng tổng thâm hụt trong ba năm qua lên gần 35 triệu USD.
Theo báo cáo từ Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc, LCK đã ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 5,75 triệu USD (2022), 9,3 triệu USD (2023) và 19,99 triệu USD (2024). Tổng cộng, trong ba năm qua, giải đấu đã thâm hụt gần 35 triệu USD.
Doanh thu của LCK cũng sụt giảm nghiêm trọng, từ 18,3 triệu USD năm 2022 xuống chỉ còn 8 triệu USD vào năm 2024, tương đương mức giảm gần 60%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là chi phí tổ chức giải đấu VALORANT Champions 2024 tại Seoul, sự kiện lớn của tựa game VALORANT do Riot Games tổ chức. Chi phí tổ chức giải này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tài chính của bộ phận phụ trách LCK, vì cả hai cùng nằm trong cùng một cấu trúc tài chính vận hành.
Sở hữu hình ảnh của Faker, một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng nhất Esports, LCK vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Được biết các bộ phận tổ chức giải đấu (esports operations) cho nhiều tựa game có thể dùng chung ngân sách hoặc có ảnh hưởng lẫn nhau trong cùng một khu vực. Do đó, khi Riot đầu tư vào một sự kiện lớn như VALORANT Champions 2024 mà không thu hồi được lợi nhuận tương xứng, cả bộ phận bao gồm cả LCK sẽ bị ghi nhận lỗ.
Ngoài ra, việc nền tảng phát sóng Huya của Trung Quốc không gia hạn hợp đồng bản quyền với LCK đã khiến doanh thu từ bản quyền sụt giảm đáng kể. Trước đây, Huya trả khoảng 42,3 triệu USD cho bản quyền LCK, nhưng con số này đã giảm xuống còn 32,4 triệu USD cho giai đoạn 2024-2025.
LCK từ lâu được xem là biểu tượng của Esports Hàn Quốc cũng như giải khu vực hấp dẫn nhất của LoL. LCK đã sản sinh ra nhiều đội tuyển và tuyển thủ hàng đầu thế giới như T1, Gen.G, Faker, Chovy... Tuy nhiên, tình hình tài chính bết bát hiện nay đặt ra nhiều câu hỏi về tính bền vững của giải đấu.
Việc thua lỗ kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng giải đấu, khả năng giữ chân các tuyển thủ ngôi sao và thu hút tài năng mới. Ngoài ra, các đội tuyển cũng có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ Riot Games hoặc các nhà tài trợ.
Để vượt qua khủng hoảng, LCK cần tìm kiếm các nguồn doanh thu mới, chẳng hạn như mở rộng thị trường quốc tế, hợp tác với các nền tảng phát sóng khác, hoặc phát triển các sản phẩm thương mại như vật phẩm lưu niệm, nội dung số...
Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến LCK phải áp dụng trần lương (salary cap) từ mùa giải 2023 nhằm tránh các đội chi tiêu không kiểm soát dẫn đến khủng hoảng tài chính và phát triển không bền vững.
Ngoài ra, việc tối ưu hóa chi phí tổ chức, cải thiện trải nghiệm người xem và tăng cường tương tác với cộng đồng người hâm mộ cũng là những yếu tố quan trọng giúp LCK lấy lại vị thế vốn có.
LCK đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong hành trình phát triển. Với những thách thức tài chính hiện tại, giải đấu cần có những bước đi chiến lược và quyết đoán để đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!