Tổng thống Donald Trump cầm một sắc lệnh hành pháp đã ký tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 23/5/2025. (Ảnh: Getty Images)
Các sắc lệnh này được Nhà Trắng kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lò phản ứng, mở đường cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên đất Mỹ, cải tổ Ủy ban Quản lý Hạt nhân (NRC) và tăng cường khả năng khai thác, làm giàu uranium trong nước.
Trong buổi lễ ký kết tại Phòng Bầu dục, ông Trump tuyên bố: "Chúng ta đang ký những sắc lệnh tuyệt vời hôm nay, giúp Hoa Kỳ trở thành cường quốc thực sự trong lĩnh vực vốn là một ngành công nghiệp lớn".
Theo một quan chức cao cấp của Nhà Trắng, sắc lệnh đầu tiên nhằm tăng tốc quá trình thử nghiệm lò phản ứng tại các phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Bộ Năng lượng (DOE). Lệnh này sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp phép, cho phép triển khai một chương trình thử nghiệm xây dựng trong vòng hai năm tới.
Sắc lệnh thứ hai tạo điều kiện cho DOE và Bộ Quốc phòng xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên đất liên bang. Theo Nhà Trắng, mục tiêu là cung cấp nguồn năng lượng an toàn, ổn định cho các cơ sở quốc phòng và trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI).
Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth nhấn mạnh: "Việc triển khai các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ và tiên tiến tại các căn cứ trong nước và trên toàn cầu là yếu tố then chốt đảm bảo an ninh quốc gia. Nếu có biến động xảy ra trên thế giới, quân đội Mỹ vẫn sẽ duy trì được năng lực hoạt động".
Sắc lệnh thứ ba yêu cầu NRC - cơ quan liên bang chịu trách nhiệm cấp phép lò phản ứng - phải đưa ra quyết định trong vòng 18 tháng. Theo văn bản công bố sau đó, Nhà Trắng cho rằng NRC hiện "không còn phù hợp với sứ mệnh do Quốc hội giao phó" và cần tái tổ chức để thúc đẩy nhanh quy trình cấp phép và ứng dụng công nghệ mới.
Sắc lệnh cũng chỉ đạo NRC phối hợp với Bộ Hiệu quả Chính phủ để xây dựng lại cơ cấu tổ chức, ưu tiên tăng cường lực lượng nhân sự trong các bộ phận liên quan đến cấp phép lò phản ứng mới, đồng thời thực hiện cắt giảm nhân sự tại các bộ phận không còn phù hợp.
Văn bản nêu rõ: "Thay vì thúc đẩy hiệu quả ngành năng lượng hạt nhân an toàn và dồi dào, NRC lại đang tìm cách cách ly người dân khỏi những rủi ro xa xôi, mà không tính đến các thiệt hại trong nước và địa chính trị do thái độ sợ rủi ro quá mức gây ra".
Nhà máy điện hạt nhân Vogtle ở Waynesboro, Georgia, Mỹ. (Ảnh: AP)
Tăng năng lực làm giàu uranium
Tổng thống Trump cũng ký một sắc lệnh riêng nhằm "khôi phục các tiêu chuẩn khoa học vàng", trong bối cảnh chính quyền của ông đã cắt giảm hàng tỷ USD tài trợ nghiên cứu khoa học và tinh giản nhân sự tại nhiều cơ quan chuyên môn.
Sắc lệnh thứ tư tập trung vào việc "phục hồi nền công nghiệp hạt nhân nội địa Mỹ", cho phép tăng tốc khai thác và làm giàu uranium, mở rộng năng lực chuyển đổi và làm giàu nhiên liệu hạt nhân trong nước. Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận Hoa Kỳ cần vài năm nữa mới đạt được năng lực làm giàu uranium quy mô lớn.
Trước năm 2023, phần lớn uranium làm giàu của Mỹ được nhập khẩu từ Nga. Sau cuộc xung đột tại Ukraine, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật lưỡng đảng cấm nhập uranium từ Nga, buộc các nhà khoa học và doanh nghiệp Mỹ phải đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Chính quyền Trump đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng hạt nhân của Mỹ từ khoảng 100 gigawatt hiện nay lên 400 gigawatt vào năm 2050. Văn bản chính thức của sắc lệnh nêu rõ, chính phủ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ việc triển khai các công nghệ lò phản ứng thế hệ mới như lò thế hệ III+ và IV, lò phản ứng mô-đun nhỏ và lò phản ứng siêu nhỏ, bằng cách gỡ bỏ rào cản pháp lý và tài chính.
Bộ trưởng Nội vụ Doug Burgum, cùng với các giám đốc điều hành doanh nghiệp năng lượng hạt nhân, đã tham dự lễ ký kết. Ông lên tiếng chỉ trích tình trạng "quy định quá mức" trong ngành và hoan nghênh sự đầu tư mạnh mẽ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Ông Burgum khẳng định: "Tổng thống Trump cam kết theo đuổi chính sách 'thống trị năng lượng'. Điều đó không chỉ giúp Mỹ dẫn đầu toàn cầu, mà còn là điều kiện then chốt để giành chiến thắng trong cuộc đua vũ khí trí tuệ nhân tạo với Trung Quốc".
Một người phát ngôn của Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng cho biết, các lò phản ứng mới sẽ có quy mô nhỏ và công nghệ tiên tiến. Theo một quan chức Nhà Trắng, chính quyền Trump đặt mục tiêu hoàn tất thử nghiệm và bắt đầu triển khai các lò phản ứng trong nhiệm kỳ hiện tại.
Mặc dù không có thành viên nào của NRC bị cách chức trong các sắc lệnh mới, nhưng cải tổ tổ chức và điều chỉnh chức năng của cơ quan này được xem là một phần trọng yếu trong chiến lược thúc đẩy năng lượng hạt nhân của ông Trump.
Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy từ chính phủ, ngành năng lượng hạt nhân Mỹ vẫn đang gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng. Chi phí xây dựng lò phản ứng mới quá cao, có thể lên tới hàng chục tỷ USD, trong khi phần lớn cơ sở hạ tầng hiện tại đã cũ kỹ, cần bảo trì tốn kém. Dự án nhà máy Vogtle tại Georgia là ví dụ điển hình với mức đầu tư đội vốn hơn 30 tỷ USD.
Ngoài ra, Mỹ phụ thuộc lớn vào uranium nhập khẩu, đặc biệt từ Nga trước năm 2023. Sau lệnh cấm nhập khẩu, việc tái xây dựng năng lực làm giàu uranium trong nước được cho là sẽ mất nhiều năm.
Bên cạnh đó, quy định cấp phép phức tạp và chậm trễ từ Ủy ban Quản lý Hạt nhân (NRC) khiến các nhà đầu tư ngần ngại. Ngành cũng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng do lo ngại an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!