Theo yêu cầu của một nhóm các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, các học khu và nghiệp đoàn giáo viên, thẩm phán liên bang Myong Joun tại Boston ngày 22/5 đã ra lệnh ngăn chặn tạm thời đối với sắc lệnh giải thể Bộ Giáo dục Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Sắc lệnh này được ký vào tháng 3, yêu cầu sa thải hơn 1.300 nhân viên, tương đương một nửa nhân sự của Bộ Giáo dục Mỹ.
Thẩm phán Joun - người được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống Joe Biden - đồng tình với lập luận của các bang, rằng chính quyền đã vượt quá thẩm quyền khi ra lệnh sa thải hàng loạt mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Trong khi đó, các luật sư thuộc Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng việc sa thải hàng loạt không nhằm mục đích đóng cửa Bộ Giáo dục mà là một nỗ lực hợp pháp nhằm cắt giảm bộ máy hành chính cồng kềnh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ pháp lý tổng thể của cơ quan này một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thẩm phán Joun cho biết việc cắt giảm đang có tác dụng ngược lại, vì "việc cắt giảm nhân sự ồ ạt đã khiến Bộ Giáo dục không thể thực hiện các chức năng theo luật định".
Thẩm phán Joun ra lệnh yêu cầu chính quyền Tổng thống Trump phục chức cho các nhân viên bị sa thải và dừng việc thực hiện sắc lệnh ký ngày 21/3 về việc chuyển các chương trình cho vay sinh viên và hỗ trợ người khuyết tật sang các cơ quan liên bang khác.
Thẩm phán Joun ra lệnh chặn thực thi sắc lệnh của ông Trump sau khi xem xét cùng lúc hai vụ kiện liên quan. Một đơn kiện đến từ các học khu Somerville và Easthampton tại bang Massachusetts, kết hợp với Liên đoàn Giáo viên Mỹ và một số tổ chức giáo dục. Vụ kiện còn lại được khởi xướng bởi liên minh 21 tổng chưởng lý đảng Dân chủ.
Chính quyền Trump đã tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết này. Phát ngôn viên Bộ Giáo dục Mỹ Madi Biedermann cho rằng: "Một thẩm phán cánh tả đã vượt quá quyền hạn của mình, dựa trên đơn kiện của các nguyên đơn thiên vị, và ban hành lệnh ngăn chặn đối với nỗ lực rõ ràng hợp pháp nhằm cải tổ Bộ Giáo dục để phục vụ người dân Mỹ hiệu quả hơn". Người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields gọi phán quyết này là "sai lầm".
"Tổng thống và Bộ trưởng Giáo dục có thẩm quyền pháp lý để đưa ra quyết định liên quan đến việc tái tổ chức cơ quan, phán quyết của một thẩm phán cánh tả không thể thay đổi thực tế đó" - Người phát ngôn Nhà Trắng Harrison Fields nói.
Skye Perryman, chủ tịch tổ chức Dân chủ Tiến bộ (DF), đại diện cho nguyên đơn trong vụ kiện Somerville, gọi quyết định của tòa là "chiến thắng bước đầu ngăn chặn cuộc sa thải hàng loạt đầy tai hại và vi phạm pháp luật". Randi Weingarten, Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Mỹ, cũng hoan nghênh phán quyết là "bước đầu đảo ngược cuộc chiến chống lại tri thức".
Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ sắc lệnh hành pháp nhằm giải thể Bộ Giáo dục tại Phòng phía Đông, Nhà Trắng, ngày 20/3 (Ảnh: AFP)
Bộ Giáo dục Mỹ được Quốc hội thành lập vào năm 1979, chịu trách nhiệm giám sát khoản vay đại học trị giá 1.600 tỷ USD, thực thi các luật về quyền dân sự trong các trường học và cung cấp nguồn tài trợ liên bang cho các học khu có nhu cầu.
Bộ trưởng Giáo dục Linda McMahon đã công bố kế hoạch sa thải hàng loạt - được gọi theo thuật ngữ chính phủ là "cắt giảm biên chế" - vào ngày 11/3. Bộ Giáo dục cho biết việc này được thực hiện như một phần trong "sứ mệnh cuối cùng".
Những đợt cắt giảm biên chế này được công bố 1 tuần trước khi Tổng thống Trump ký lệnh hành pháp yêu cầu đóng cửa Bộ Giáo dục sau lời hứa trong chiến dịch tranh cử nhằm trao toàn bộ quyền quyết định về chính sách trường học cho các tiểu bang và hội đồng địa phương.
Bộ Giáo dục cho biết sau khi thực hiện cắt giảm, số nhân sự của Bộ sẽ còn lại 2.183 người, giảm từ 4.133 người vào thời điểm ông Trump nhậm chức ngày 20/1.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào thời điểm đó, bà McMahon cho biết chỉ thị của ông Trump dành cho bà là "Đóng cửa Bộ Giáo dục". Bà nói thêm rằng, dù việc giải thể Bộ Giáo dục cần có sự chấp thuận của Quốc hội, các đợt sa thải này là "bước đầu tiên nhằm loại bỏ bộ máy hành chính cồng kềnh".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!