Ngày 22/5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, buộc các sinh viên nước ngoài đang theo học tại đây phải chuyển sang trường khác hoặc đối mặt nguy cơ mất tư cách pháp lý.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết trong một tuyên bố: "Harvard không còn có thể tuyển sinh sinh viên nước ngoài và những sinh viên nước ngoài hiện tại phải chuyển trường hoặc mất tư cách pháp lý".
Bộ trưởng trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ - bà Kristi Noem - đã lệnh cho Bộ này chấm dứt Chương trình Sinh viên và trao đổi khách mời (SEVP) của Đại học Harvard với lý do trường này từ chối cung cấp thông tin về một số sinh viên nước ngoài có hành vi phạm pháp trong khuôn viên của trường theo yêu cầu của Bộ vào ngày 16/4. Bà Noem cáo buộc Harvard "kích động bạo lực, bài Do Thái…". Theo bà, đây đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với các trường đại học khác tại Mỹ.
Động thái trên đánh dấu bước leo thang mới của chính quyền Tổng thống Trump trong cuộc đối đầu với Harvard - Đại học thuộc nhóm Ivy League gồm 8 trường đại học hàng đầu tại Mỹ. Quyết định này có thể ảnh hưởng đến hơn 1/4 số sinh viên quốc tế của Đại học Harvard - những người đang rơi vào trạng thái hoang mang và lo lắng sau thông báo gây sốc. Nhiều giáo sư cảnh báo, nếu xảy ra làn sóng rút lui hàng loạt của sinh viên quốc tế, chất lượng học thuật của ngôi trường danh giá này có thể bị tổn hại nghiêm trọng trong bối cảnh trường vẫn đang kiên cường đấu tranh bảo vệ quyền tự chủ tư tưởng trước áp lực từ chính quyền.
Nhà Trắng cho hay việc tuyển dụng sinh viên nước ngoài là một đặc ân, không phải là quyền để các trường đại học có thể hưởng lợi từ học phí cao hơn và củng cố các quỹ tài trợ hàng tỷ USD của họ. "Họ đã nhiều lần thất bại trong việc hành động để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng đang ảnh hưởng tiêu cực tới sinh viên Mỹ. Và giờ đây, họ phải đối mặt với hệ quả từ chính sự buông lỏng đó" - người phát ngôn Nhà Trắng, bà Abigail Jackson, tuyên bố trong thông cáo gửi tới CNN.
Trong nhiều tháng qua, Đại học Harvard và chính quyền Tổng thống Trump đã rơi vào thế đối đầu gay gắt khi chính quyền yêu cầu nhà trường phải điều chỉnh các chương trình, chính sách, quy trình tuyển dụng và xét tuyển đầu vào nhằm loại bỏ tình trạng bài Do Thái và phân biệt chủng tộc trong khuôn viên nhà trường. Chính quyền của Tổng thống Trump đặc biệt nhắm vào các sinh viên và nhân viên nước ngoài mà họ cho là đã tham gia vào các cuộc biểu tình gây tranh cãi xoay quanh cuộc xung đột Israel - Hamas.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Đại học Harvard phản bác rằng nhiều yêu cầu từ phía chính quyền - bao gồm cả việc tiến hành "kiểm tra tư tưởng" đối với quan điểm của sinh viên và giảng viên - đã vượt quá vai trò của chính phủ liên bang và thậm chí có thể vi phạm các quyền mà Harvard được bảo vệ. Harvard là một trong số hàng chục trường đại học tại Mỹ phải đối mặt với những yêu cầu tương tự từ chính quyền Tổng thống Trump nhưng ngôi trường này có những động thái mạnh mẽ nhất để bảo vệ quyền học thuật của mình.
Đại học Harvard đã lên tiếng về việc bị chấm dứt SEVP. Thông cáo của nhà trường nhấn mạnh: "Hành động của chính phủ là bất hợp pháp, đe dọa nghiêm trọng đến cộng đồng Harvard, đồng thời phá hoại sứ mệnh giáo dục và nghiên cứu của Harvard". Trường cũng khẳng định luôn cam kết tuyệt đối với đào tạo sinh viên quốc tế và đang soạn thảo hướng dẫn hỗ trợ cho các sinh viên bị ảnh hưởng.
Harvard hiện có khoảng 9.970 sinh viên quốc tế. Theo thống kê, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký học trong năm 2024 - 2025 là 6.793, chiếm tỷ lệ 27,2%.
Giống như nhiều trường cao đẳng và đại học khác, Harvard đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội trong năm qua vì cách xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine sau khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ. Đồng thời, Harvard cũng đối mặt với hàng loạt khiếu nại từ cựu sinh viên và sinh viên Do Thái liên quan đến tình trạng bài Do Thái trong khuôn viên nhà trường.
Chính quyền Trump đã áp đặt các biện pháp nghiêm khắc đối với Đại học Harvard, bao gồm việc đóng băng 2,2 tỷ USD tiền tài trợ liên bang. Theo nguồn tin của CNN, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) cũng đang lên kế hoạch thu hồi quy chế miễn thuế của Đại học Harvard.
Sinh viên quốc tế đang theo học tại Harvard có được tốt nghiệp?
Các sinh viên đã hoàn thành chương trình học trong học kỳ này tại Đại học Harvard sẽ được phép tốt nghiệp. Theo bà Noem, các thay đổi sẽ có hiệu lực từ năm học 2025 - 2026. Lớp sinh viên tốt nghiệp năm 2025 của Harvard dự kiến sẽ nhận bằng vào tuần tới.
Tuy nhiên, những sinh viên chưa hoàn tất chương trình học sẽ phải chuyển sang một trường đại học khác, nếu không họ sẽ mất quyền cư trú hợp pháp tại Mỹ.
Những sinh viên đã trúng tuyển có được nhập học vào mùa Thu này?
Với quyết định của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, những sinh viên vừa trúng tuyển sẽ không được nhập học tại Đại học Harvard trừ khi chính phủ thay đổi quyết định hoặc có sự can thiệp của tòa án. Bà Noem cho biết Harvard có thể khôi phục trạng thái là trường tiếp nhận sinh viên quốc tế nếu tuân thủ danh sách yêu cầu của chính phủ trong vòng 72 giờ. Các yêu cầu này bao gồm việc cung cấp nhiều loại hồ sơ, chẳng hạn như hồ sơ kỷ luật của sinh viên quốc tế, cũng như bất kỳ bản ghi âm hoặc video nào liên quan đến các hoạt động biểu tình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!