Chuyến công du Trung Đông đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Washington và ba nước giàu tài nguyên Vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Chuyến đi không chỉ khẳng định lại vai trò trung tâm của Mỹ tại khu vực mà còn được coi là cơ hội để các quốc gia này tranh thủ ảnh hưởng cá nhân của ông Trump nhằm đổi lấy những cam kết cụ thể.
Mỹ tăng cường hợp tác với các nước Vùng Vịnh
Các thỏa thuận hợp tác kinh tế, đầu tư được ký kết giữa Mỹ và Saudi Arabia, từ các cơ hội đầu tư cho đến thỏa thuận quốc phòng kỷ lục. Đây là kết quả vào ngày đầu tiên trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ tới Saudi Arabia. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Saudi Arabia trong thúc đẩy phát triển khu vực.
Trong khi đó, Thái tử nước chủ nhà Mohamed cũng khẳng định Mỹ là một trong những đối tác lớn nhất trong chương trình cải cách Tầm nhìn 2030 của nước này.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman phát biểu: "Chúng tôi hy vọng có được các cơ hội đầu tư trị giá 600 tỷ USD, bao gồm các thỏa thuận trị giá 300 tỷ USD đã được ký kết. Chúng tôi sẽ làm việc trong những tháng tới để hoàn tất các thỏa thuận và nâng mức đầu tư lên 1 nghìn tỷ USD".
Tổng thống Mỹ phát biểu với Quốc vương Qatar tại Cung điện Lusail, ở Doha, Qatar, ngày 14/5 (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: "Không ai sản xuất thiết bị quân sự nhiều như Mỹ, tốt như Mỹ, các tên lửa tốt nhất, tàu ngầm tốt nhất…".
Cũng trong chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch gỡ bỏ trừng phạt Syria, tiếp xúc song phương với Tổng thống lâm thời Syria, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh nhằm nhấn mạnh các cam kết chính sách của Mỹ với khu vực - trong đó có việc giải quyết các điểm nóng khu vực, từ xung đột tại Gaza đến vấn đề hạt nhân Iran.
Thái tử bin Salman nói: "Chúng tôi đánh giá cao quyết định của Tổng thống Trump về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, điều này sẽ làm giảm bớt khổ đau cho người dân Syria. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, giảm căng thẳng trong khu vực, chấm dứt xung đột ở Gaza và tìm ra giải pháp toàn diện và lâu dài cho Palestine".
Ngay sau chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Trump đã tới Qatar để thảo luận về hợp tác an ninh, tình hình Syria và vai trò then chốt của Doha trong đàm phán con tin và ngừng bắn. Tổng thống Trump cũng dự kiến sẽ thảo luận vấn đề sử dụng chuyên cơ Air Force One mới mà Qatar đề xuất tặng Mỹ.
Chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Vùng Vịnh của Tổng thống Mỹ là các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất với trọng tâm về công nghệ và đầu tư, các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, năng lượng và sản xuất.
Trước đó, hồi tháng 3, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã công bố kế hoạch đầu tư trị giá 1.400 tỷ USD vào các lĩnh vực này tại Mỹ.
Tổng thống Trump và Thái tử Saudi Arabia bin Salman tại Riyadh, Saudi Arabia, ngày 13/5 (Ảnh: AP)
Chuyến công du Vùng Vịnh của Tổng thống Mỹ
Giới phân tích đã đánh giá những kết quả ban đầu của chuyến thăm, đặc biệt là thỏa thuận quốc phòng Mỹ - Saudi Arabia và việc dỡ bỏ trừng phạt cho Syria.
Vùng Vịnh hiện đang bước vào mùa nắng nóng cao điểm. Tuy nhiên, "sức nóng" từ 2 ngày đầu tiên trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ có vẻ còn ấn tượng hơn thế. Nhiều nhà quan sát tại Trung Đông nhận định các thỏa thuận trong chuyến thăm của ông Trump đến cán cân quyền lực tại Trung Đông không chỉ phản ánh sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực tại Trung Đông.
Rõ ràng là với thỏa thuận quốc phòng mang tính lịch sử và việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Syria, cán cân quyền lực tại Trung Đông có thể gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là trong việc tái thiết Syria. Với những kết quả này, chắc chắn tiếng nói của Riyadh sẽ ngày càng có trọng lượng trong khu vực và thế giới với vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định. Riyahd vui mừng, còn Washinton hân hoan bởi thực tế đã cho thấy Mỹ đang củng cố chặt chẽ quan hệ với các đồng minh trong khu vực.
Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Riyadh, Saudi Arabia, ngày 14/5 (Ảnh: AP)
Mỹ điều chỉnh chính sách với khu vực Trung Đông
Với việc không có Israel trong lịch trình chuyến thăm, giới phân tích cho rằng đã có các chuyển hướng chính sách tại Trung Đông và nỗ lực của Mỹ trong giải quyết các điểm nóng khu vực, đặc biệt là xung đột tại Gaza.
Việc không đến thăm Israel lần này có thể được hiểu là một phần trong chiến lược "ngoại giao giao dịch" của ông Donald Trump. Đây là chính sách đối ngoại dựa trên lợi ích kinh tế và thương lượng có đi có lại, đặc trưng cho cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ hiện tại.
Chuyến đi tới Vùng Vịnh lần này của ông Trump tập trung vào các thỏa thuận kinh tế và quốc phòng với Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông. Các quốc gia như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang tìm kiếm một "kiến trúc khác" cho khu vực, dựa trên sự ổn định và hợp tác kinh tế, thay vì xung đột và căng thẳng chính trị như bấy lâu nay.
Tuy nhiên, việc không giải quyết được xung đột tại Gaza có thể khiến những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia Vùng Vịnh và Israel gặp khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Do vậy, nhiều nhà bình luận tại Trung Đông đã đánh giá rằng xung đột tại Gaza vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ và cán cân quyền lực tại Trung Đông. Việc giải quyết xung đột này sẽ là chìa khóa để đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.
Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump không đơn thuần là một bước đi ngoại giao mà còn là tín hiệu tái khẳng định vị thế chiến lược của Mỹ tại nơi từng được gọi là "vùng đất của những cuộc chiến và cơ hội". Với các thỏa thuận quốc phòng quy mô lớn, cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD và quyết định dỡ bỏ trừng phạt với Syria, Washington đang gửi đi thông điệp nước Mỹ không rút lui mà đang tái định vị sức mạnh của mình theo cách chủ động, thực dụng và tính toán hơn.
Tuy nhiên, khu vực Trung Đông ở trong bối cảnh mới cũng sẽ tiềm ẩn cả những cơ hội và thách thức. Cục diện Trung Đông sẽ không chỉ định hình trật tự khu vực mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến thế cân bằng toàn cầu, trong đó sự can dự của các cường quốc sẽ ngày càng quyết liệt và đa tầng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!