Quang cảnh phòng họp nơi phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/5/2025. (Ảnh: AFP)
Còn nhiều ngờ vực...
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với kênh CNN rằng các cuộc thảo luận "tích cực hơn mong đợi". "Các bên không sử dụng ngôn ngữ mang tính cáo buộc, điều đó cho thấy không khí đàm phán đã có phần thay đổi", vị quan chức này cho biết.
Cuộc gặp diễn ra tại Cung điện Dolmabahce, Istanbul, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, kéo dài chưa đầy hai giờ đồng hồ. Dù vậy, việc hai bên chịu ngồi cùng bàn đàm phán - điều chưa từng xảy ra kể từ những tuần đầu cuộc chiến hồi tháng 2/2022 - đã được coi là một bước tiến quan trọng.
Phía Ukraine sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thông qua phiên dịch viên, dù tiếng Nga vẫn phổ biến ở nhiều vùng của Ukraine.
Phái đoàn Nga và Ukraine giữ thái độ bình tĩnh trong suốt cuộc đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5/2025. (Ảnh: AFP)
Một nguồn tin am hiểu quá trình đàm phán tiết lộ với kênh CNN rằng phía Nga tiếp tục yêu cầu Ukraine rút khỏi bốn khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson - những vùng mà Moscow đã đơn phương tuyên bố sáp nhập hồi năm 2022, bất chấp thực tế họ chưa kiểm soát hoàn toàn các khu vực này. Ukraine và phương Tây nhiều lần khẳng định đây là yêu sách "không thể chấp nhận được".
"Tuyên bố của Nga được đưa ra trong bối cảnh Moscow nói về khả năng đạt được lệnh ngừng bắn", phía Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.
Dù chưa có đột phá về chính trị, một bước tiến cụ thể đã đạt được: hai bên nhất trí tiến hành một cuộc trao đổi tù binh quy mô lớn, với khoảng 1.000 người từ mỗi bên được trả tự do. Thỏa thuận này bao gồm ba nhóm đối tượng: trẻ em, dân thường và binh lính.
Theo quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời điểm tưởng chừng bế tắc, Nga đã đề xuất phương án trao đổi tù binh, và phía Ukraine đã tạm rút khỏi cuộc họp để xin ý kiến cấp trên.
Ukraine kỳ vọng cuộc gặp giữa hai nguyên thủ
Phát biểu trong cuộc họp báo sau đàm phán tại Istanbul, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho rằng việc đạt được thỏa thuận trao đổi tù binh là "thành tựu quan trọng", nhưng mục tiêu tiếp theo là tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Vladimir Putin.
"Tổng thống của chúng tôi mong đợi sẽ có cuộc thảo luận cấp cao tại đây. Tôi nghĩ bước kế tiếp nên là tổ chức cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo", ông Umerov nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Sergiy Kyslytsya, người cùng tham dự họp báo, gọi cuộc gặp hôm thứ Sáu là "kết quả tiềm năng tích cực cho một ngày rất khó khăn", đồng thời nhấn mạnh đó là thành quả của nhiều tuần nỗ lực từ các nhà lãnh đạo Ukraine, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu.
Tuy nhiên, ông Kyslytsya cũng lưu ý: "Thành công hôm nay vẫn chỉ mang tính sơ bộ và cần được củng cố. Chúng ta chưa thể lơi lỏng vào lúc này".
Theo ông, nhiều vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi hai nguyên thủ quốc gia trực tiếp gặp nhau, bởi "trong hệ thống chính trị Nga, gần như mọi quyết định quan trọng đều phải do Tổng thống Putin đưa ra".
Tổng thống Zelensky gọi điện cho ông Trump
Tại Istanbul, không khí bên ngoài Cung điện Dolmabahce trái ngược hoàn toàn với sự kỳ vọng ban đầu. Theo ghi nhận của CNN, hai du khách Mỹ dừng lại trước cổng cung điện để hỏi các nhà báo đang túc trực: "Có phải ông Zelensky đến không?" Khi biết nhà lãnh đạo Ukraine không có mặt, họ lộ rõ vẻ thất vọng - một tâm trạng chung tại đó.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky theo dõi diễn biến từ Albania, nơi ông đang tham dự một hội nghị thượng đỉnh châu Âu. Sau khi đàm phán kết thúc, ông cùng lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cùng ngày 16/5, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ trở về Washington sau khi kết thúc chuyến công du đến các nước vùng Vịnh. "Hãy xem điều gì xảy ra với Nga và Ukraine", ông Trump phát biểu, đề cập đến các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã lên tiếng chỉ trích lập trường của Nga trong vòng đàm phán với Ukraine tại Istanbul, gọi đây là điều: "không thể chấp nhận được".
Các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã lên tiếng chỉ trích lập trường của Nga trong vòng đàm phán với Ukraine tại Istanbul ngày 16/5. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị cấp cao châu Âu tại thủ đô Tirana (Albania), Thủ tướng Anh Keir Starmer, cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, cho biết: "Lập trường của Nga rõ ràng là không thể chấp nhận được và đây không phải là lần đầu tiên như vậy" - theo hãng tin Reuters.
Bốn nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã có cuộc thảo luận nhóm cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước khi thực hiện cuộc gọi chung với ông Donald Trump. "Sau cuộc gặp với Tổng thống Zelensky và trao đổi với Tổng thống Trump, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ và sẽ tiếp tục thống nhất hành động trong thời gian tới" - ông Starmer nhấn mạnh, theo Reuters.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo phương Tây được xem là lời cảnh báo mạnh mẽ gửi đến Moscow trong bối cảnh Nga đưa ra những yêu sách cứng rắn - bao gồm yêu cầu Ukraine rút khỏi các vùng lãnh thổ hiện vẫn do Kiev kiểm soát một phần - để đổi lấy lệnh ngừng bắn, một đề xuất mà Kiev và các đồng minh châu Âu khẳng định là không thể chấp nhận trong bất kỳ khuôn khổ đàm phán hòa bình nào.
Tổng thống Zelensky đã gọi điện cho Tổng thống Trump sau khi kết thúc cuộc đàm phán với Nga ở Istanbul. (Ảnh: Independent)
Theo ông Zelensky: "Áp lực với Nga cần được duy trì cho đến khi họ thực sự sẵn sàng chấm dứt chiến tranh".
Nga muốn đàm phán thêm trước khi chấp thuận ngừng bắn
Trong vòng đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nga khẳng định cần thêm các cuộc thương lượng trước khi đồng ý ngừng bắn, trong khi phía Ukraine kêu gọi lập tức chấm dứt giao tranh để mở đường cho tiến trình ngoại giao.
Hai bên chủ yếu lặp lại các quan điểm đã được biết đến từ trước. Ukraine thúc giục một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và sau đó tiếp tục đàm phán, trong khi Nga yêu cầu các cuộc hòa đàm phải được tiến hành thêm trước khi đưa ra bất kỳ cam kết ngừng bắn nào.
Phía Nga cho rằng các cuộc thương lượng lần này là sự tiếp nối của vòng đàm phán từng diễn ra tại Istanbul vào đầu năm 2022, khi chiến tranh mới bùng nổ. Tuy nhiên, các điều kiện từng được đưa ra khi đó - bao gồm yêu cầu Ukraine cắt giảm mạnh quy mô quân đội - giờ đây bị xem là vô cùng bất lợi nếu áp dụng lại.
Trong lúc hai bên tỏ ra bình tĩnh trên bàn đàm phán thì xung đột vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cùng ngày với cuộc họp ở Istanbul, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã chiếm được thêm một ngôi làng tại miền Đông Ukraine, trong bước tiến chậm rãi nhưng kiên trì của họ. Trước giờ đàm phán, truyền thông Ukraine đồng loạt đưa tin còi báo động không kích vang lên và có tiếng nổ tại thành phố Dnipro.
Sáng 16/5, hàng loạt tiếng nổ lớn đã làm rung chuyển bán đảo Crimea trong bối cảnh Nga và Ukraine đang chuẩn bị bước vào vòng đàm phán hòa bình mới tại Istanbul. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)
Hiện tại, Nga đang kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Putin vẫn giữ vững các yêu sách lâu nay: Ukraine phải nhượng lãnh thổ, từ bỏ ý định gia nhập NATO và trở thành một quốc gia trung lập. Tuy nhiên, Kiev khẳng định những điều kiện này là hành động đầu hàng trá hình và yêu cầu các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, phải đưa ra các đảm bảo an ninh rõ ràng cho tương lai của Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố ưu tiên hàng đầu hiện nay là đạt được "một lệnh ngừng bắn toàn diện, vô điều kiện và chân thành - nhằm chấm dứt thương vong và tạo nền tảng vững chắc cho con đường ngoại giao."
Về phần mình, Nga tuyên bố sẵn sàng đối thoại để kết thúc chiến tranh, nhưng cũng cảnh báo rằng Ukraine có thể lợi dụng thời gian ngừng bắn để củng cố lực lượng, huy động thêm binh sĩ và tiếp nhận vũ khí từ phương Tây - điều mà Moscow cho là "mối quan ngại nghiêm trọng".
Trong khi đó, Ukraine và các đồng minh cáo buộc Tổng thống Putin chỉ đang câu giờ và không thực tâm muốn tìm kiếm hòa bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!