EU rót ngân sách 'khủng' cứu đài phát thanh RFE/RL do Mỹ tài trợ

Linh Quy (Theo RT, Reuters)-Thứ năm, ngày 22/05/2025 19:29 GMT+7

Trụ sở của Đài phát thanh RFE/RL (Ảnh: AP)

bangdatally.xyz - Liên minh châu Âu xem RFE/RL là công cụ “báo chí độc lập” trong các quốc gia thuộc vùng ảnh hưởng của mình.

Liên minh châu Âu (EU) vừa tuyên bố cấp gói tài trợ khẩn cấp trị giá 5,5 triệu Euro (khoảng 6,2 triệu USD) cho Đài Phát thanh Tự do châu Âu/Đài Tự do (Radio Free Europe/Radio Liberty - RFE/RL), một cơ quan truyền thông do Mỹ thành lập từ thời Chiến tranh Lạnh, nhằm giúp tổ chức này duy trì hoạt động sau khi bị chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt gần như toàn bộ nguồn ngân sách.

Thông báo được đưa ra hôm 21/5 bởi bà Kaja Kallas - Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU - sau cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao EU. Bà gọi khoản tài trợ này là "hỗ trợ khẩn cấp ngắn hạn" nhằm duy trì một "nhiệm vụ thiết yếu", đồng thời thừa nhận rằng EU không thể thay thế hoàn toàn nguồn tài trợ từ Mỹ nhưng nhấn mạnh ý nghĩa biểu tượng của quyết định này. "Trong thời đại mà thông tin chưa kiểm chứng tràn lan, báo chí độc lập quan trọng hơn bao giờ hết", bà Kallas bày tỏ quan điểm.

EU rót ngân sách khủng cứu đài phát thanh RFE/RL do Mỹ tài trợ - Ảnh 1.

(Ảnh: Getty Images)

"Phao cứu sinh" cho đài truyền thông từng do CIA tài trợ?

Được thành lập từ những năm 1950 với mục tiêu lan truyền các thông điệp ủng hộ phương Tây vào các nước thuộc khối Xô Viết, RFE/RL ban đầu được tài trợ bí mật bởi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Về sau, tổ chức này hoạt động dưới sự quản lý của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM).

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cắt giảm phần lớn ngân sách của USAGM như một phần trong chính sách tinh giản chính phủ. Theo đó, RFE/RL đã phải cắt giảm nhân sự, đình chỉ một số chương trình phát sóng và sau đó đã đệ đơn kiện quyết định này.

Một thẩm phán liên bang tại Washington tạm thời chặn quyết định của chính quyền Trump hồi tháng 4, nhưng tòa phúc thẩm liên bang lại cho phép dừng việc giải ngân ngân sách trong khi chờ xét xử tiếp. RFE/RL cảnh báo họ có thể phải đóng cửa vĩnh viễn tại nhiều khu vực nếu khủng hoảng tài chính không được giải quyết.

Gói cứu trợ 5,5 triệu Euro của EU sẽ đóng vai trò như một "mạng lưới an toàn" giúp RFE/RL duy trì hoạt động tại những khu vực mà EU coi là trọng điểm chiến lược, bao gồm Nga, Belarus, Iran và một số quốc gia Trung Á. Một số quan chức EU thậm chí không loại trừ khả năng khối này có thể dần tiếp quản vai trò tài trợ từ phía Mỹ nếu Washington tiếp tục rút lui.

Trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại các khu vực đang chịu nhiều tác động từ Nga và Trung Quốc, việc duy trì hoạt động của các kênh truyền thông như RFE/RL được coi là cần thiết nhằm "đảm bảo luồng thông tin đa chiều" - theo cách nói của giới chức EU.

Tuy nhiên, không ít ý kiến trái chiều tại Mỹ và quốc tế cho rằng RFE/RL từ lâu đã hoạt động không còn khách quan, thậm chí bị cáo buộc thiên lệch về chính trị và không còn phù hợp với bối cảnh truyền thông hiện đại. Một số quan chức chính quyền Trump và các nhà phê bình cho rằng RFE/RL cũng như đài "anh em" là Voice of America (VOA) đã đánh mất vai trò chiến lược, chuyển sang làm công việc mang tính tuyên truyền chính trị trong nội bộ nước Mỹ.

EU rót ngân sách khủng cứu đài phát thanh RFE/RL do Mỹ tài trợ - Ảnh 2.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã sa thải gần 600 nhân viên và cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Ảnh: Getty Images)

Ngày 15/5, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ra quyết định sa thải gần 600 nhân viên và cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America - VOA), một cơ quan truyền thông do chính phủ tài trợ, chuyên cung cấp tin tức độc lập đến các quốc gia được cho là có tự do báo chí hạn chế.

Đợt sa thải lần này chủ yếu nhắm vào các hợp đồng dịch vụ cá nhân - hình thức lao động dễ bị chấm dứt hơn so với nhân viên chính thức trong biên chế liên bang - với phần lớn là các nhà báo và một số nhân viên hành chính. Quyết định này khiến lực lượng lao động của VOA giảm hơn 1/3, bất chấp phán quyết của tòa án hồi tháng 4 yêu cầu chính phủ duy trì hoạt động tin tức mạnh mẽ tại cơ quan này. Tổng thống Trump từng gọi VOA là "tiếng nói của nước Mỹ cực đoan".

Đóng cửa hay cải tổ?

Trước đó, ông Stephen Capus - Chủ tịch RFE/RL - đã lên tiếng chỉ trích quyết định cắt giảm ngân sách của chính quyền Trump, gọi đây là "món quà khổng lồ dành cho các kẻ thù của nước Mỹ". Ông cho rằng việc rút nguồn tài trợ là một đòn giáng mạnh vào ảnh hưởng toàn cầu của truyền thông Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Tỷ phú công nghệ Elon Musk - người được ông Trump tin tưởng giao cho đứng đầu Bộ Năng suất Chính phủ (DOGE), một cơ quan mới thành lập hồi đầu năm, với mục tiêu tinh giản bộ máy hành chính - đã kêu gọi đóng cửa cả RFE/RL và VOA. "Không ai còn nghe họ nữa" - ông Musk thậm chí còn thẳng thắn viết trên mạng xã hội X.

Dù tranh cãi nội bộ tại Mỹ vẫn đang tiếp diễn, việc EU can thiệp bằng gói tài trợ mới cho thấy châu Âu đang sẵn sàng lấp vào khoảng trống do Mỹ để lại, ít nhất là trong ngắn hạn, để duy trì các kênh phát ngôn mang quan điểm phương Tây tại những điểm nóng chiến lược.

Chính quyền Tổng thống Trump sa thải hàng trăm nhân viên Đài Tiếng nói VOA Chính quyền Tổng thống Trump sa thải hàng trăm nhân viên Đài Tiếng nói VOA

bangdatally.xyz - Gần 600 phóng viên và nhân viên hợp đồng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA đã bị chấm dứt công việc chỉ trong một ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước