Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã sa thải gần 600 nhân viên và cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Ảnh: Getty Images)
Ngày 15/5, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ra quyết định sa thải gần 600 nhân viên và cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America - VOA), một cơ quan truyền thông do chính phủ tài trợ, chuyên cung cấp tin tức độc lập đến các quốc gia được cho là có tự do báo chí hạn chế.
Đợt sa thải lần này chủ yếu nhắm vào các hợp đồng dịch vụ cá nhân - hình thức lao động dễ bị chấm dứt hơn so với nhân viên chính thức trong biên chế liên bang - với phần lớn là các nhà báo và một số nhân viên hành chính. Quyết định này khiến lực lượng lao động của VOA giảm hơn 1/3, bất chấp phán quyết của tòa án hồi tháng 4 yêu cầu chính phủ duy trì hoạt động tin tức mạnh mẽ tại cơ quan này. Tổng thống Trump từng gọi VOA là "tiếng nói của nước Mỹ cực đoan".
Cùng ngày, chính quyền Trump cũng công bố rao bán tòa nhà liên bang tại thủ đô Washington - nơi đặt trụ sở chính của VOA, một động thái được xem là biểu hiện rõ ràng của thái độ thiếu thiện chí với cơ quan truyền thông này.
Giám đốc VOA, ông Michael Abramowitz, cho biết trong một email gửi toàn thể nhân viên hôm 15/5 rằng việc sa thải là "khó hiểu" và ông cảm thấy "đau lòng". Trước đó, ông Abramowitz đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn nỗ lực đóng cửa đài của chính quyền Trump.
Bà Kari Lake, cố vấn cấp cao của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM) - đơn vị giám sát hoạt động của VOA - khẳng định rằng chính quyền Trump hoàn toàn hành động trong khuôn khổ pháp lý. "Chúng tôi đang tiến hành tái cơ cấu cơ quan và tinh giản bộ máy quan liêu để đáp ứng các ưu tiên của chính quyền" - bà Lake tuyên bố. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cắt giảm sự cồng kềnh tại USAGM và biến một tổ chức cổ lỗ sĩ thành một thực thể xứng đáng với tiền đóng thuế của người dân Mỹ".
Bà Lake cũng cảnh báo: "Hãy chuẩn bị tinh thần. Sẽ còn nhiều thay đổi nữa.
Theo ông Abramowitz, một số nhà báo bị sa thải do tình trạng nhập cư của họ gắn liền với hợp đồng lao động tại VOA, và những người này buộc phải rời khỏi nước Mỹ trước cuối tháng 6.
Trong thư thông báo cho các nhân viên bị sa thải, chính quyền Trump nêu lý do là "vì lợi ích của chính phủ".
Tổng thống Trump từ lâu đã chỉ trích VOA phát tán "tuyên truyền phản Mỹ" và có thiên hướng chính trị. Hồi tháng 3, bà Kari Lake - một đồng minh thân cận của ông Trump và từng thất bại trong các cuộc tranh cử thống đốc và thượng nghị sĩ bang Arizona - từng tuyên bố USAGM là "không thể cứu vãn". Bà cũng cáo buộc cơ quan này tồn tại "tình trạng lãng phí, gian lận và lạm dụng" nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Đài VOA, thành lập từ năm 1942, đã ngừng hoạt động vào ngày 15/3 năm nay, chỉ một ngày sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp nhằm làm tê liệt hoạt động của USAGM. Tuy nhiên, một phán quyết của tòa án hồi tháng 4 đã yêu cầu khôi phục một phần hoạt động của đài và các phòng ban trực thuộc USAGM.
Chính quyền Trump đã kháng cáo một phần phán quyết nói trên, đặc biệt là nội dung yêu cầu phục hồi lại việc làm cho những nhân viên bị sa thải trước đó. Tuy nhiên, họ không phản đối điều khoản buộc phải nối lại các chương trình tin tức của VOA - vốn được Quốc hội yêu cầu duy trì như một "nguồn thông tin đáng tin cậy và có thẩm quyền".
Kể từ đó, chính quyền Trump chỉ khôi phục một phần hoạt động của VOA. Một số dịch vụ như bản tin tiếng Trung và tiếng Ba Tư đã hoạt động trở lại, song trang tin tiếng Anh chính thức của VOA vẫn không cập nhật kể từ ngày 15/3.
Chính quyền Trump 2.0 đang đẩy mạnh chính sách tinh gọn bộ máy hành chính liên bang, với mục tiêu cắt giảm mạnh chi tiêu công và loại bỏ những cơ quan bị cho là hoạt động kém hiệu quả. Dưới khẩu hiệu "Chính phủ nhỏ, hiệu quả, vì người dân", chính quyền Trump 2.0 đã tiến hành sa thải hàng nghìn nhân viên liên bang, giảm ngân sách cho nhiều cơ quan truyền thông và ngoại giao, đồng thời rao bán một số tài sản công. Một ví dụ điển hình là việc chấm dứt hợp đồng với gần 600 nhân viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, bất chấp các chỉ trích về việc can thiệp vào tự do báo chí. Chính quyền đương nhiệm cũng tuyên bố sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống liên bang, loại bỏ các "cỗ máy quan liêu cổ lỗ", nhằm tái cơ cấu chính phủ theo hướng linh hoạt hơn. Tuy gây nhiều tranh cãi, chính sách này được giới ủng hộ xem là bước đi cần thiết để giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong bối cảnh nợ công và thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!