Hóc vỏ thuốc chưa bóc: Cảnh báo tai nạn đường thở nguy hiểm

Văn Thành, icon
10:11 ngày 24/05/2025

bangdatally.xyz - Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa cứu sống một bệnh nhân hóc dị vật hiếm gặp - viên thuốc còn nguyên vỏ kim loại gây tắc nghẽn đường thở suốt 2 ngày.

Viên thuốc còn nguyên vỏ được gắp ra khỏi phế quản bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân V.V.T. (62 tuổi, TP Hồ Chí Minh) đi mua thuốc và uống ngay sau khi về đến nhà. Do điều kiện thiếu sáng và thói quen uống nhanh, bệnh nhân đã nuốt luôn viên thuốc còn nguyên vỏ kim loại mà không hề hay biết. Ngay sau đó, bệnh nhân ho sặc dữ dội, cảm thấy tức sau xương ức, khò khè và khạc ra máu. Tình trạng kéo dài hơn 2 ngày khiến bệnh nhân quyết định đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Tại Khoa Nội hô hấp, các bác sĩ nghi ngờ dị vật đường thở và tiến hành chụp X-quang, CTscan ngực. Kết quả cho thấy dị vật nằm sâu trong phế quản. Ekip nội soi phế quản nhanh chóng can thiệp, lấy ra dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ. Sau khi lấy dị vật, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, các triệu chứng thuyên giảm rõ rệt. Bệnh nhân đã được xuất viện an toàn sau 2 ngày theo dõi.

BSCKII. Hồ Quốc Khải - Phó Khoa Nội hô hấp cho biết, mỗi năm vẫn ghi nhận nhiều ca dị vật đường thở do nuốt nhầm, phổ biến nhất là xương cá, hạt trái cây, thậm chí vỏ viên thuốc. Các dị vật này có thể gây tắc khí quản, dẫn tới viêm phổi hoặc suy hô hấp nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Dị vật đường thở có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ do hay đưa đồ vật vào miệng, hoặc ở người cao tuổi có rối loạn nuốt do tai biến, Parkinson, sa sút trí tuệ. Người mắc trào ngược dạ dày, rối loạn thần kinh hay đang dùng thuốc an thần cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao.

Các biểu hiện thường gặp khi bị hóc dị vật gồm ho sặc dữ dội sau khi ăn uống, cảm giác nặng ngực, thở rít hoặc khò khè, khàn tiếng, khó thở kéo dài, ho dai dẳng, sốt, khạc đàm. Một số trường hợp không có triệu chứng rõ ràng và dễ bị bỏ sót.

Nếu không được xử trí kịp thời, dị vật có thể gây suy hô hấp cấp, áp xe phổi, xẹp phổi, tổn thương thanh quản, gây sẹo hoặc để lại các biến chứng mãn tính. Trường hợp dị vật sắc nhọn như vỏ thuốc còn có thể gây thủng khí quản hoặc xuất huyết nặng.

Trong trường hợp nghi ngờ hóc dị vật, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay. Khi chờ cấp cứu, người thân có thể hỗ trợ bằng cách để người bệnh ho mạnh nếu còn tỉnh, hoặc thực hiện nghiệm pháp Heimlich đối với người lớn và ép lồng ngực - vỗ lưng đối với trẻ nhỏ.

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT, nội soi phế quản để xác định và gắp dị vật. Trong một số trường hợp có biến chứng viêm phổi, người bệnh có thể cần điều trị kháng sinh và theo dõi sát.

Bác sĩ Hồ Quốc Khải cũng khuyến cáo người dân cần thay đổi thói quen sinh hoạt. Khi ăn uống cần tập trung, tránh vừa ăn vừa nói chuyện, không uống thuốc trong điều kiện thiếu sáng hoặc vội vàng. Tuyệt đối không ngậm viên thuốc chưa bóc vỏ. Với trẻ nhỏ, phụ huynh nên giám sát khi ăn và không cho chơi các vật nhỏ dễ đưa vào miệng. Những thói quen tưởng chừng đơn giản này có thể phòng tránh được nhiều tai nạn nguy hiểm đến tính mạng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục