Gia tăng ngộ độc ở trẻ vị thành niên: Cảnh báo từ con số và sự im lặng tâm lý

Tuấn Văn, icon
05:12 ngày 23/05/2025

bangdatally.xyz - Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ đã tiếp nhận 30 ca ngộ độc ở trẻ, phần lớn là do cố ý - chủ yếu ở lứa tuổi vị thành niên.

Hình minh họa.

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, năm 2024, bệnh viện ghi nhận 70 trường hợp trẻ ngộ độc, trong đó 44% là do tự tử. Sang năm 2025, đã có 30 ca tương tự. Đặc biệt, riêng tháng 4 và 5/2025, số ca ngộ độc tăng đột biến với 17 trường hợp, trong đó có 11 trẻ nhập viện vì uống quá liều paracetamol - loại thuốc hạ sốt, giảm đau phổ biến có thể dễ dàng mua tại nhà thuốc mà không cần kê đơn. Đáng lo ngại, đa số các trường hợp đều rơi vào lứa tuổi vị thành niên.

Một trong những ca bệnh điển hình là trường hợp bé gái 15 tuổi nhập viện trong tình trạng tím tái, co giật và suy hô hấp sau khi uống thuốc trừ sâu để tự tử. Bé được cấp cứu trong đêm và may mắn qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tổn thương tâm lý dẫn tới hành vi nguy hiểm như vậy đã âm thầm tích tụ từ trước.

Các chuyên gia nhận định, trẻ vị thành niên là nhóm tuổi dễ tổn thương nhất về mặt cảm xúc. Những áp lực học tập, kỳ vọng từ cha mẹ, mâu thuẫn với bạn bè hoặc sự cô đơn kéo dài có thể khiến các em rơi vào trạng thái bế tắc. Nhiều trường hợp không hề bộc lộ dấu hiệu rõ ràng trước đó, cho đến khi có hành vi tự gây hại bằng cách dùng thuốc quá liều hoặc tiếp cận hóa chất độc hại.

Trước thực trạng đáng báo động này, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Sự đồng hành lặng lẽ nhưng kiên nhẫn, việc chủ động lắng nghe và hạn chế áp đặt là những điều trẻ cần nhất ở cha mẹ. Thay vì trách mắng hay so sánh, hãy giáo dục trẻ bằng sự thấu hiểu và lòng bao dung, đặc biệt trong những thời điểm trẻ mắc sai lầm.

Bên cạnh đó, gia đình cần có biện pháp kiểm soát an toàn việc sử dụng thuốc trong nhà, bao gồm cất giữ thuốc điều trị và hóa chất ở nơi ngoài tầm với, hướng dẫn trẻ tuyệt đối không tự ý uống thuốc khi không có chỉ định từ bác sĩ.

Ngộ độc không chỉ là vấn đề y tế mà còn là hệ quả của sự tổn thương tâm lý âm thầm. Hành vi tự tử ở trẻ không xuất phát từ một sự kiện đơn lẻ, mà là tiếng kêu cứu kéo dài không được lắng nghe. Vì thế, mỗi hành động quan tâm đúng lúc của người lớn có thể là cơ hội để giữ lại một cuộc đời đang mong manh cần cứu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục