Trung Quốc có động thái mới với Boeing sau khi Mỹ - Trung tạm hạ thuế
Hãng tin Bloomberg ngày 13/5 dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm đối với việc tiếp nhận các máy bay Boeing mới, một động thái được xem là thiện chí sau thỏa thuận thương mại tại Geneva.
Theo đó, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu cho phép cho các hãng hàng không trong nước bắt đầu tiếp nhận máy bay do Boeing bàn giao từ tuần này. Các hãng hàng không sẽ được toàn quyền quyết định thời điểm và điều khoản khi tiếp nhận máy bay. Việc khôi phục quá trình chuyển giao máy bay, sau một tháng đình trệ, sẽ ngay lập tức mang lại sự khởi sắc cho Boeing, trong bối cảnh tập đoàn này đang phải chật vật trước những biến động thương mại do chính sách thuế quan.
Cổ phiếu Boeing đã bật tăng 2,46% sau thông tin này, chạm mức cao nhất kể từ tháng 3/2024. Được biết, Boeing có kế hoạch bàn giao khoảng 50 máy bay cho Trung Quốc trong năm 2025.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời hạ nhiệt
Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc
Trong một động thái được cho là nhằm xoa dịu căng thẳng và tái thiết lại trật tự thương mại song phương, Mỹ vừa ban hành sắc lệnh hành pháp điều chỉnh chính sách thuế với các kiện hàng nhập khẩu có giá trị dưới 800 USD từ Trung Quốc. Theo đó, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 120% xuống còn 54%, trong khi mức phí cố định 100 USD vẫn được giữ nguyên. Chính sách có hiệu lực từ ngày 14/5.
Dù không được nêu trực tiếp trong tuyên bố chung giữa hai nước, giới phân tích cho rằng đây là kết quả của các cuộc đàm phán căng thẳng nhằm định hình lại các quy tắc thương mại. "Mỹ đang tìm cách kiểm soát nhưng không triệt tiêu dòng chảy thương mại giá trị nhỏ – vốn đóng vai trò then chốt trong thương mại điện tử toàn cầu", chuyên gia thương mại quốc tế Ethan Harris nhận định.
Chính sách thuế với hàng "de minimis" – thuật ngữ chỉ các kiện hàng giá trị thấp không quá 800 USD – từ lâu đã là đề tài gây tranh cãi tại Mỹ. Nhiều nghị sĩ cảnh báo đây là "lỗ hổng pháp lý" để hàng hóa giá rẻ tràn vào thị trường nội địa, đe dọa các ngành sản xuất trong nước và tạo điều kiện cho hàng lậu.
Theo báo cáo từ Tập đoàn tài chính Nomura, Trung Quốc đã xuất khẩu tới 240 tỷ USD hàng hóa theo diện này trong năm 2024, tương đương khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này và đóng góp xấp xỉ 1,3% GDP.
Tại Mỹ, hơn 90% các kiện hàng nhập khẩu hiện nay được xử lý theo cơ chế này, trong đó khoảng 60% đến từ Trung Quốc – chủ yếu từ các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein và AliExpress. Sự phổ biến của các nền tảng này đã thúc đẩy các đối thủ nội địa như Amazon phải tung ra dịch vụ vận chuyển giảm giá "Haul" để giữ chân người tiêu dùng.
Động thái giảm thuế lần này không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn mang hàm ý chính trị rõ rệt: Mỹ đang phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng "hạ nhiệt" một phần các biện pháp thương mại cứng rắn để hướng tới khung hợp tác kinh tế mới, linh hoạt hơn, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro từ hàng hóa giá rẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!