Sau nhiều tháng leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước đã bất ngờ đạt được thỏa thuận tạm thời cắt giảm mạnh thuế quan. Giới phân tích đánh giá, đây là bước đệm cần thiết để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm thời gian hàn gắn mối quan hệ thương mại và giải quyết những vấn đề gai góc còn tồn đọng.
Theo tuyên bố chung, Mỹ sẽ giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức đỉnh 145% xuống còn 30% trong vòng 90 ngày. Đổi lại, Trung Quốc cũng hạ thuế với hàng Mỹ từ 125% xuống chỉ còn 10%, đồng thời gỡ bỏ một số rào cản phi thuế quan. Đây được coi là bước đi cần thiết, giúp giảm bớt áp lực cho cả hai nền kinh tế.
Ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế, Hãng nghiên cứu Moody's Analytics cho biết: "Tại Mỹ, có những báo cáo cho thấy lượng hàng tồn kho ở mức nguy hiểm. Các cảng bờ Tây như Los Angeles hay Seattle gần như không còn tàu hàng từ Trung Quốc cập bến. Đối với Trung Quốc, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng, thể hiện rõ qua các số liệu gần đây. Tác động tiêu cực rất rõ rệt này đã buộc hai nước phải ngồi lại đàm phán để giảm bớt thiệt hại cho các ngành công nghiệp của mình".
Sự khó lường trong các chính sách của Mỹ cũng là một rủi ro có thể khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng trở lại
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá, thỏa thuận mới chỉ là giai đoạn đầu của một tiến trình thương lượng phức tạp. Khoảng thời gian 90 ngày là không dài, đòi hỏi các cuộc đàm phán tiếp theo phải diễn ra nhanh chóng, và có thể cần sự tham gia trực tiếp của cấp lãnh đạo cao nhất.
Ông Heron Lim - Chuyên gia kinh tế, Hãng nghiên cứu Moody's Analytics chia sẻ: "Tổng thống Donald Trump đã thông báo sẽ điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình trong những ngày tới và điều này có thể mở đường cho các thỏa thuận dài hạn hơn. 90 ngày là ngắn, nhưng nếu hai nước đạt được một kết quả giống như thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" hồi năm 2019 - 2020, sự ổn định có thể được duy trì lâu hơn, cho phép Mỹ và Trung Quốc xem xét, đánh giá tiến triển trong quan hệ kinh tế, cũng như tiếp tục đàm phán về các vấn đề còn tồn đọng như tiếp cận thị trường, mua bán hàng hóa và dịch vụ...".
Bên cạnh đó, sự khó lường trong các chính sách của Mỹ cũng là một rủi ro có thể khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng trở lại.
Ông Marcus Noland - Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc Nghiên cứu, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định: "Vấn đề chưa phải là đã hết. Tổng thống Donald Trump đã nói về việc sẽ áp thuế lên các sản phẩm khác, cụ thể là dược phẩm - những mặt hàng mà nước Mỹ nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu ông ấy thực sự thực hiện điều đó, thuế quan có thể lại tăng lên và quan hệ với Trung Quốc cũng có thể lại bị xáo trộn".
Rõ ràng, thỏa thuận 90 ngày chưa thể đảm bảo một sự ổn định lâu dài mà các doanh nghiệp đang chờ đợi. Tuy nhiên, việc hai bên cho thấy thiện chí đàm phán vẫn là tín hiệu khởi đầu tích cực, mở ra hy vọng cho một lộ trình giải quyết các khác biệt sâu sắc giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!