Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được đánh giá là một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế", là "bước ngoặt lịch sử" trong phát triển kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp bất động sản - với vai trò là một bộ phận quan trọng trong khu vực này - đang đặt nhiều kỳ vọng vào những thay đổi cơ bản sẽ được tao ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 68.
Doanh nghiệp bất động sản tư nhân không chỉ trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Hoạt động của họ còn kéo theo nhu cầu của hơn 40 ngành nghề liên quan - như xây dựng, vật liệu, tài chính - ngân hàng, lao động và tiêu dùng. Đây là khu vực đang góp phần giải quyết hàng triệu việc làm và giữ vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gặp khó khăn. Hàng loạt dự án bị tạm dừng hoặc đình trệ do những nguyên nhân khách quan như: vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính chồng chéo, thời gian phê duyệt kéo dài. Việc thể chế hóa kịp thời Nghị quyết 68 được họ kỳ vọng sẽ tạo ra luồng sinh khí mới, mở ra cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp bất động sản, để có thể hoàn thiện hồ sơ thủ tục cho 1 dự án, phải mất từ 5-10 năm, thậm chí 12 năm. Chính vì vậy, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ra đời, với tinh thần cải cách mạnh mẽ về tư duy và thể chế, được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giúp rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý xuống chỉ còn 2-3 năm, từ đó cũng giúp giảm chi phí, tránh lãng phí cho các cho doanh nghiệp. Đây chính là cú hích quan trọng để bất động sản Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp bất động sản đánh giá, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị là một nghị quyết rất toàn diện, đáp ứng được sự mong mỏi bấy nay của toàn thị trường. Không chỉ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang gặp vấn đề về thủ tục và chậm tiến độ, Nghị quyết còn khai thác nguồn lực đất đai đang bị lãng phí, đất công không sử dụng và đất trong các vụ việc tranh chấp kéo dài.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty GP Invest cho hay: "Nội dung của Nghị quyết 68 là liều thuốc kích thích, làm cho tất cả các doanh nghiệp tăng thêm sự tin. Bởi có thể nói, nội dung của Nghị quyết 68 quy định là tất cả các doanh nghiệp trong quá trình làm có những va vấp với luật pháp thì sẽ tránh hết mức hình sự hóa. Với cơ chế giải quyết đúng đối tượng phục vụ, thì thay vì các doanh nghiệp bất động sản đang là đối tượng phải xin cho, sẽ trở thành đối tượng được phục vụ, thì chúng tôi cho rằng thủ tục hành chính sẽ rất đơn giản, rút ngắn được thời gian hoàn thành thủ tục từ 3-4 năm/dự án có thể xuống còn 1 năm".
"Sau khi có nghị quyết này đa phần doanh nghiệp rất phấn khởi. Nhà nước và Chính phủ quyết tâm làm thủ tục hành chính và các chi phí giảm xuống 30%. Đây là điểm nhấn quan trọng, vì thời gian đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản là rất quan trọng. Thời gian kéo dài thì các doanh nghiệp phải chờ đợi", ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch DTJ Group cho hay.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ, trong 5 năm vừa qua, thị trường bất động sản bị thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung cho người có thu nhập thấp và trung bình. Một trong những nguyên nhân là do các thủ tục giao đất, tính giá đất mất rất nhiều thời gian để xác định. Nên khi có quỹ đất, các doanh nghiệp sẽ thích làm các dự án cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận. Với Nghị quyết 68, sẽ định hướng phát triển cân bằng hơn cho thị trường, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tham gia phân khúc nhà ở xã hội với các ưu đãi cụ thể.
"Ở một khía cạnh nào đó chúng tôi nhận ra những vấn đề đang tồn đọng hiện nay như mất cân đối về nguồn cung, hay một số nội dung khác thì một trong những nguyên nhân là do thiếu quỹ đất, thiếu nguồn lực tài chính. Một khi được khuyến khích thúc đẩy, hay là có nghị quyết rõ ràng sẽ giúp người ta có động lực để làm mạnh mẽ hơn nữa, phát huy tối đa hơn nữa thế mạnh của nhau để hỗ trợ cho thị trường phát triển những dòng sản phẩm tốt và có chất lượng trên thị trường", bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội chia sẻ.
Nghị quyết còn yêu cầu có cơ chế, chính sách phù hợp để kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Mục tiêu chậm nhất trong năm nay, phải hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Doanh nghiệp mong muốn sớm triển khai Nghị quyết 68
Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản mong mỏi Nghị quyết 68 sẽ được triển khai sớm, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.
Các nhà doanh nghiệp nhận định dù Nghị quyết 68 đã đi thẳng vào tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Tuy nhiên, các nhà doanh nghiệp cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện nay vẫn còn tình trạng "trên nóng - dưới lạnh". Nhiều chính quyền tại các tỉnh thành vẫn còn thực hiện quy định một cách máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản mong mỏi Nghị quyết 68 sẽ được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả với quá trình sáp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhất là sáp nhập các địa phương tới đây để thực sự tạo ra cuộc cách mạng về cơ chế cho hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có thị trường bất động sản.
Ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho hay: "Đối với doanh nghiệp chúng tôi cũng như toàn thể các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam thì chúng tôi rất mong muốn Nghị quyết 68 này được đưa vào triển khai một cách rốt ráo. Bởi vì với một dự án bất động sản để triển khai phải qua rất nhiều các cơ quan ban ngành, phòng ban của các tỉnh thành khác nhau. Khi mà gỡ vướng được như vậy sẽ tăng tốc được quá trình làm các thủ tục pháp lý. Sẽ giúp cho doanh nghiệp đưa được sản phẩm ra thị trường một cách nhanh hơn, tạo được nguồn cung mới ra thị trường tốt hơn".
"Các bộ máy chính quyền ở cấp cao đã rất khẩn trương. Thế nhưng ở dưới các địa phương thì đâu đó vẫn còn có những hiểu biết về văn bản, pháp luật còn hạn chế. Dẫn đến việc các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc giải thích, trình bày. Có những cái chúng tôi phải làm thủ tục đi lại đến 6-7 tháng. Nên chúng tôi cho rằng để bộ máy có thể thực hiện được thì đầu tiên các văn bản phải rất rõ ràng. Mọi câu chữ phải rành mạch", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty GP Invest chia sẻ.
Tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào ngày 14/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ cố gắng thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vào thứ 7 tuần này. Đây sẽ là một nghị quyết ngắn gọn, với những đột phá mới trong phát triển kinh tế tư nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!