Nghị quyết 68: Chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 10/05/2025 18:39 GMT+7

bangdatally.xyz - Kinh tế tư nhân nay được đặt ngang hàng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, cùng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng.

Động lực cho kinh tế tư nhân phát triển

Tuần qua Nghị quyết số 68-NQ/TW, đã được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4/5/2025, là một văn kiện quan trọng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết, lần đầu tiên "Kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia". Đây là bước tiến đột phá về tư duy phát triển. Từ vị trí bị xem nhẹ, thậm chí còn mang nặng định kiến trong nhiều năm trước, kinh tế tư nhân nay được đặt ngang hàng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, cùng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Không chỉ thừa nhận, Nghị quyết còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".

Với tinh thần khẩn trương triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hai cuộc họp về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống. Do đó, phải trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ngay tại kỳ họp này, nhằm giải quyết ngay những vấn đề cấp bách nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "Tinh thần đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn. Vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới, với một tinh thần là Nhà nước kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Và thể chế, cơ chế chính sách là động lực. Nghị quyết này phải tạo ra được phong trào, xu thế phát triển doanh nghiệp tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua làm giàu. Rà soát kĩ lại chính sách làm sao cho tự do kinh doanh, bình đẳng trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, bình đẳng trong tiếp cận vốn, đất đai, tài sản công…".

Nghị quyết 68: Chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - Ảnh 1.

Kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Kỳ vọng Nghị quyết 68 sớm đi vào thực tiễn

Nghị quyết 68 thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và toàn thể nhân dân: Nhà nước sẽ kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài chứ không phải là một biện pháp tình thế.

Điều này đã mang lại niềm tin - thứ tài sản vô hình nhưng vô cùng thiết yếu để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững. Qua đó tạo ra một luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực, khí thế và năng lượng tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Đây thực sự là một động lực để toàn dân tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, dám dấn thân và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế của đất nước".

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội nêu ý kiến: "Chúng tôi đánh giá rất cao Nghị quyết lần này vì đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị khẳng định vai trò quan trọng là động lực chính với vai trò kinh tế tư nhân. Đến năm 2030, chúng ta có 2 triệu doanh nghiệp. Trong khi đó, Nghị quyết ghi rõ, mục tiêu chúng ta phải tăng trưởng về số và tăng trưởng về xanh. Một điều hết sức quan trọng là chúng ta không hình sự hóa các hoạt động kinh tế để cho doanh nghiệp tư nhân có một không gian mới trong việc phát triển".

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên nhận định: "Khi không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế như doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nước ngoài, tạo một lợi thế cho doanh nghiệp tư nhân có thể liên doanh liên kết với nhau để có đủ năng lực tham gia vào các gói thầu đầu tư công của Nhà nước".

Ông Đào Ngọc Nam - Chủ tịch Công ty An Việt Group nêu ý kiến: "Sau Nghị quyết 57 vừa qua đã tạo động lực rất lớn cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ như chúng tôi tự tin để phát triển. Tiếp theo là Nghị quyết 68 của Trung ương tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, đã miễn thuế 3 năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này sẽ tạo sự tự tin cho các doanh nghiệp hay chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể sang kinh tế tư nhân một cách chính thống, chính tắc hơn".

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định: "Doanh nghiệp, địa phương, người dân vô cùng hồ hởi với Nghị quyết này của chúng ta. Bây giờ vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả".

Nghị quyết 68: Chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - Ảnh 2.

Nghị quyết số 68 nhấn mạnh cần có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân

Khơi thông nguồn vốn cho kinh tế tư nhân

Triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả sau khi các doanh nhân đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ Nghị quyết 68… Như với việc tiếp cận vốn, Nghị quyết số 68 nhấn mạnh cần có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thời gian qua, dù ngành ngân hàng đã dành nhiều gói tín dụng ưu đãi cho sản xuất kinh doanh, nhưng việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn nhiều thách thức.

Muốn nâng cấp dây chuyền sản xuất theo hướng xanh hơn, giảm phát thải ra môi trường, doanh nghiệp đã bỏ hơn 50 tỷ đồng để đầu tư công nghệ mới. Họ buộc phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 7,8%/năm cho trung và dài hạn. Doanh nghiệp mong muốn, có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh với lãi suất rẻ hơn.

Ông Ngô Hữu Phương - Phó Chủ tịch Công ty cổ phần Giấy HKB cho biết: "Doanh nghiệp đề xuất, nếu ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất xuống dưới 5% như 1% cho doanh nghiệp thì mỗi năm, doanh nghiệp chúng tôi tiết kiệm được 5 tỷ tiền lãi suất".

Còn đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác đều gặp khó khăn bởi thiếu tài sản đảm bảo. Phía ngân hàng cũng chỉ có thể cho vay tín chấp với những doanh nghiệp đã có lịch sử quan hệ tín dụng tốt. Vì thế, nhiều ý kiến đề xuất cần nới điều kiện cho vay, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp.

Ông Hồ Minh Đức - Giám đốc điều hành Công ty Vbee chia sẻ: "Tài sản đảm bảo không có, mô hình kinh doanh đang ở giai đoạn chứng minh sự ổn định, nên kể cả vay tín chấp lẫn vay thế chấp, các doanh nghiệp về sáng tạo như chúng tôi đều khó có thể đáp ứng được tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn tài chính của các ngân hàng".

Ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: "Các ngân hàng thương mại hiện tại chưa có thể chế một cách chuyên nghiệp, chuyên ngành để cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp vì rất rủi ro và tỷ lệ thất bại rất cao. Những doanh nghiệp đã hoạt động lâu, phương án vay vốn có, nhu cầu vay vốn có nhưng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp, uy tín trên thị trường vẫn không có thì ngân hàng rất khó để cho vay tín chấp".

Để gỡ thế khó về tài sản đảm bảo, các doanh nghiệp đề xuất ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay theo dòng tiền, cho vay theo chuỗi sản xuất. Hiện đã có một số ngân hàng có gói tín dụng này, nhưng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được chưa nhiều.

Bên cạnh vốn vay ngân hàng, các doanh nghiệp cũng mong muốn các quỹ bảo lãnh tín dụng, các quỹ phát triển doanh nghiệp sẽ được hoàn thiện hành lang pháp lý, mở rộng đối tượng và đơn giản thủ tục để giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn.

Nghị quyết 68: Chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - Ảnh 3.

Khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình kinh doanh doanh nghiệp

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp

Hiện nay có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp gần 30% GDP mỗi năm. Nghị quyết 68 yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị, và chế độ tài chính, kế toán, đẩy mạnh số hóa để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình kinh doanh doanh nghiệp.

Có thể thấy, đang có rất nhiều chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Bà Đường – một hộ kinh doanh ở tỉnh Ninh Bình cho biết, hộ kinh doanh chỉ cần kê khai thuế đơn giản, một mình bà cũng làm được. Còn khi là doanh nghiệp, bắt buộc phải có bộ phận kế toán, phải xuất hóa đơn rất phức tạp. Sắp tới khi chính sách cho phép đơn giản hóa về chế độ tài chính, kế toán, bảo hiểm... cho doanh nghiệp nhỏ, bà sẽ sẵn lòng đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Bà Lê Hải Đường - Hộ kinh doanh Thành phố Hoa Lư, Ninh Bình cho biết: "Nếu đơn giản được thì chúng tôi sẽ cố gắng. Ví dụ chỉ cần qua máy tính tiền đã là hóa đơn, chúng tôi không phải có kế toán để viết hóa đơn riêng, không phải hạch toán như các doanh nghiệp lớn thì chúng tôi sẽ cố gắng".

Chị Nguyễn Thị Lan - Hộ kinh doanh Thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình tâm sự: "Lên doanh nghiệp thì phải có bộ máy ban bệ, phải có kế toán. Nếu Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ có thể bớt đi thủ tục hành chính, không cần phải có nhiều ban bệ thì chúng tôi cũng muốn tiếp cận".

Đại diện Cục Thuế cho biết, hiện nay ngành Thuế đang rà soát, đề xuất thay đổi các chính sách thuế với hộ kinh doanh cho sát với doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa chế độ kế toán, thuế tương đối đơn giản, dễ thực hiện cho hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ, theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 68.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Trưởng ban Nghiệp vụ Thuế, Cục Thuế cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, chuyển đổi số, ứng dụng các trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý, tạo ra nhiều dịch vụ thuế điện tử hơn nữa để rất đơn giản trong việc thực hiện các thủ tục về thuế, về hóa đơn. Chúng tôi cũng mong muốn các hộ chuyển hết từ hộ khoán sang hộ kê khai, hoặc chuyển lên doanh nghiệp".

Cả nước hiện nay có khoảng 37.000 hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, sẽ phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, có kết nối với cơ quan thuế từ ngày 1/6 tới đây. Đây là những hộ hoàn toàn đủ khả năng để có thể chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ ngay và luôn, nếu các chính sách hỗ trợ được thực hiện triển khai nhanh chóng, trúng và đúng, tháo gỡ được những điểm nghẽn mà họ còn ngần ngại.

Khi khối doanh nghiệp tư nhân được nhìn nhận là một động lực trung tâm, được bảo vệ quyền tự do kinh doanh, được hỗ trợ đổi mới và hội nhập, mỗi doanh nhân, mỗi người dân đều có thể tin rằng: thành công của họ là thành công của quốc gia.

Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị mang thông điệp khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng làm giàu chính đáng, ý chí đổi mới và tinh thần dấn thân của doanh nhân, doanh nghiệp và mỗi người dân Việt Nam. Nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết này chính là chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò dẫn dắt với tinh thần chủ động, tự cường và đầy khát vọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước