Trung Quốc siết chuẩn, Việt Nam siết chặt "Vàng O"
Trước thông tin báo chí phản ánh về việc "Sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất Vàng O", nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sụt giảm gần 74% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, chủ động chỉ đạo, xử lý với thông tin phản ánh về việc sầu riêng vẫn loay hoay giải quyết chất Vàng O.
Theo phản ánh, hiện việc sản xuất sầu riêng chủ yếu do nông dân tự trồng theo kinh nghiệm. Quy trình kỹ thuật như thế nào, loại phân bón nào chứa cadimi đều không được công bố rộng rãi dẫn đến khó kiểm soát được dư lượng. Hiện các trung tâm kiểm định đủ năng lực xét nghiệm chất Vàng O lại đang tập trung ở các thành phố lớn, trong khi các vùng nguyên liệu lại không có trung tâm nào kiểm định được. Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa xuất khẩu được lô hàng nào sang Trung Quốc, khi nước này bắt đầu siết chặt kiểm định chất Vàng O.
Trong khi đó, hiện nay một lượng lớn sầu riêng được tiêu thụ trong nước, bán cho người dân ăn, nhưng lại không có đơn vị nào kiểm định chất lượng.
Chủ động kiểm soát chất lượng sầu riêng, đặc biệt về chỉ tiêu Cadimi và Vàng O
Kiểm soát chất cấm để giữ "hộ chiếu" cho sầu riêng
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc siết chặt các tiêu chí về nhập khẩu sầu riêng, đặc biệt là Cadimi, Vàng O, nhiều nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long không khỏi lo lắng. Để thích nghi, doanh nghiệp và nông dân đã bắt đầu chú trọng khâu điều chỉnh quy trình canh tác và cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác, nhằm kiểm soát tốt các loại chất này trong sầu riêng.
Đầu tư hơn nửa tỷ đồng cho 1 ha sầu riêng ở xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, sau 7 năm chăm sóc, vườn của ông Nguyễn Văn Dựt đã cho trái ổn định trong hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nắm rõ các yếu tố liên quan đến nguy cơ nhiễm Cadimi. Vừa sản xuất, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, ông Dựt và nhiều nông dân khác mong muốn được hỗ trợ xác định nguyên nhân để kịp thời điều chỉnh kỹ thuật canh tác.
Ông Nguyễn Văn Dựt - Xã Tân Hiệp, Thạnh Hóa, Long An tâm sự; "Mình người nông dân cũng e ngại và lo lắng, nhờ bên bộ phận nông nghiệp kiểm tra vùng đất nào, phân thuốc nào để hướng dẫn cho bà con sử dụng an toàn".
Trước thực tế này, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã phối hợp các chuyên gia để phân tích và hướng dẫn nông dân canh tác đảm bảo an toàn, tránh nhiễm chất cấm.
TS. Lâm Văn Hà - Viện Thổ Nhưỡng Nông hóa nêu ý kiến: "Kiểm soát lượng Cadimi làm sao cho nó hạn chế di động, thứ nhất trong môi trường đất phải nâng cao pH lên. Thứ hai, sử dụng một số yếu tố khác để bón vào, có thể hấp thu giữ lại Cadimi ở đó như than sinh học".
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định: "Biện pháp để an toàn thực phẩm và dịch bệnh là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Con số thông báo của các thành viên WTO đã chứng minh cho xu thế đó. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng, vì chúng ta đã cam kết với quốc tế là chúng ta phải thực hiện".
Chủ động kiểm soát chất lượng sầu riêng, đặc biệt về chỉ tiêu Cadimi và Vàng O, không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân, góp phần phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!