Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong những tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng - một trong những mặt hàng chủ lực của ngành rau quả - mới chỉ đạt khoảng 20% so với kế hoạch đề ra. Đây là mức sụt giảm "nghiêm trọng", gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến mục tiêu xuất khẩu chung mà còn trực tiếp kéo giá sầu riêng trong nước giảm sâu, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu.
Trúng mùa nhưng giá bán không như mong đợi
Bắt đầu từ tháng 3, nhà vườn tại đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Năm nay, sầu riêng trúng mùa nhưng giá bán lại không như mong đợi.
Những ngày đầu tháng 5, giá sầu riêng Ri6 tại các nhà vườn ở TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long hay Tiền Giang dao động quanh mức 25.000 đồng/kg - thấp hơn từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so với cách đây một tháng. Dù giá đã chạm đáy, nhiều thương lái vẫn không mặn mà thu mua, khiến nông dân rơi vào cảnh phải tự mang sản phẩm ra lề đường bán lẻ với giá chỉ từ 30.000 - 60.000 đồng/kg tùy chất lượng.
Giá giảm nhưng sức mua không cao. Nguyên nhân là do đồng bằng sông Cửu Long vào chính vụ sầu riêng, sản lượng rất lớn nhưng tình hình xuất khẩu lại khá chậm. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với sầu riêng không còn nhiều như trước, trong khi các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia cạnh tranh cao, ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu.
Nhà vườn sầu riêng điều chỉnh quy trình canh tác
Theo đề án phát triển cây ăn trái chủ lực, đến năm 2030, cả nước có từ 65.000 - 75.000 ha diện tích trồng sầu riêng. Tuy nhiên, đến năm ngoái, nước ta đã có 160.000 ha, tức là tăng gấp đôi và quá trình tăng diện tích vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thực tế cho thấy, rất khó khuyến cáo nhà vườn khi có thời điểm "vua của các loại trái cây" vượt ngưỡng 200.000 đồng/kg. Và những diễn biến về giá cả, về thị trường thời gian qua là cơ hội để người nông dân nhìn lại việc canh tác chứ không thể phát triển ồ ạt theo hướng được giá là trồng.
Gắn bó với cây sầu riêng nhiều năm nhưng chưa năm nào ông Nhường thấy giá cả sụt giảm liên tục như năm nay. Có thời điểm chỉ còn 35.000 đồng/kg, khiến cho ông và nhiều nhà vườn "không kịp trở tay". Với ông, đây cũng chính là lúc cần điều chỉnh sản xuất ngay trên chính mảnh vườn của mình.
Từ cuối năm ngoái, Trung Quốc tăng cường siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng từ Việt Nam khiến cho hoạt động xuất khẩu sang thị trường này liên tục gặp khó. Trước thực tế đó, nhiều nhà vườn tại đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tập trung hơn vào chất lượng.
Quý I năm 2025, Trung Quốc chỉ chi hơn nửa tỷ USD cho nông sản Việt, giảm hơn 31% so với cùng kỳ và sầu riêng là nguyên nhân chính khi giá trị xuất khẩu chỉ còn hơn 98 triệu USD, lao dốc 61%. Những con số này khiến không ít nhà vườn lo ngại. Trong lúc chờ tín hiệu tích cực từ thị trường, ngoài việc tiết giảm chi phí sản xuất, đảm bảo an toàn, chất lượng, bà con còn chăm chút hơn về mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.
Để sầu riêng không thành "sầu chung"
Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng đạt kỉ lục 3,3 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc không chỉ duy trì nhu cầu với sầu riêng tươi mà còn mở cửa thêm cho sản phẩm đông lạnh, mở ra triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, kỳ vọng có thể sẽ không thành hiện thực nếu các vấn đề về chất lượng, truy xuất nguồn gốc không được đảm bảo.
Ông Tuấn là một trong những nhà vườn trồng sầu riêng đầu tiên ở địa phương. Trước khi bắt tay với loại cây trồng giá trị kinh tế cao này, ông đã học tập quy trình canh tác ở nhiều nơi và chọn giải pháp hữu cơ để sản xuất. Đăng ký mã số vùng trồng, liên kết các nhà vườn lân cận cũng là giải pháp được nhà vườn này tính đến.
Có một thực tế là giá sầu riêng không giảm đồng loạt ở các địa phương. Chẳng hạn ở các tỉnh miền Đông, loại trái cây này được tiêu thụ với giá cao hơn miền Tây từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nguyên nhân là đáp ứng được các yêu cầu kiểm định khắt khe từ phía bạn hàng. Nói cách khác, giá bán, tiêu thụ lệ thuộc vào sự đồng bộ của qui trình sản xuất và kiểm định chất lượng.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất cần mở thêm nhiều phòng kiểm định tại các khu vực trồng sầu riêng để nông dân chủ động kiểm tra và điều chỉnh sản xuất. Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ, đặc biệt là những quốc gia có đông người gốc Á thích sầu riêng. Cùng với đó là chú trọng thêm thị trường trong nước. Thực tế, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng rất cao, với giá bán có thể dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/kg.
Nguy cơ thất thu vụ sầu riêng bangdatally.xyz-Ngành nông nghiệp nói chung đang chịu ảnh hưởng của biến đối khí hậu, và với cây trồng khó chăm sóc và mang gia trị kinh tế cao như sầu riêng, nông dân càng thấp thỏm âu lo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!