Đạo đức AI - "Nền móng" cho niềm tin trong thời đại số

Ngọc Hiền-Thứ ba, ngày 13/05/2025 22:09 GMT+7

bangdatally.xyz - AI cần được thiết kế và vận hành theo những nguyên tắc đạo đức rõ ràng trước khi đối mặt với nguy cơ thiên lệch thuật toán, xâm phạm quyền riêng tư, mất kiểm soát dữ liệu.

Bài toán kiểm soát rủi ro từ công nghệ AI

Tháng 9/2024, Clearview AI – công ty nổi tiếng với công nghệ nhận diện khuôn mặt bị phạt 30,5 triệu Euro (khoảng 33,7 triệu USD) bởi Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Hà Lan vì đã tạo cơ sở dữ liệu bất hợp pháp.

Cụ thể, DPA cáo buộc Clearview AI vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR). Cơ quan này cho biết việc lưu trữ và xử lý dữ liệu sinh trắc học chỉ được phép trong một số điều kiện nhất định mà Clearview AI không đáp ứng. Ngoài ra, công ty không minh bạch và từ chối quyền truy cập của những người bị ảnh hưởng đối với dữ liệu được lưu trữ về họ.

Trước đó không lâu, tại Mỹ, một nhóm sinh viên Đại học Stanford phát triển hệ thống Predicting Image Geolocations – công nghệ định vị địa lý bằng AI có thể xác định nơi chụp ảnh chỉ từ bối cảnh hình ảnh. Dù mang tính học thuật, hệ thống này nhanh chóng gây tranh cãi toàn cầu khi bị lo ngại có thể bị lạm dụng cho mục đích theo dõi, xâm phạm quyền riêng tư hoặc giám sát cá nhân bởi chính phủ và các công ty tư nhân.

Những vụ việc này đến nay không còn là trường hợp đơn lẻ, mà là minh chứng rõ ràng cho một thực tế: công nghệ AI phát triển nhanh hơn nhiều so với các rào chắn đạo đức và pháp lý mà xã hội có thể dựng lên. 

Theo báo cáo của UNESCO, đến năm 2023 đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới đã xây dựng chiến lược AI quốc gia, trong đó, nhiều nước ban hành khung đạo đức nhằm kiểm soát rủi ro từ công nghệ này. 

Các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo cho rằng, AI cần được thiết kế và vận hành theo những nguyên tắc đạo đức rõ ràng nếu con người không muốn phải đối mặt với nguy cơ thiên lệch thuật toán, xâm phạm quyền riêng tư, mất kiểm soát dữ liệu, và những hệ lụy khó lường về xã hội và pháp lý.

Khi con người dần để AI trở thành cộng sự, thậm chí là người ra quyết định trong một số lĩnh vực đời sống như y tế, giáo dục, tài chính hay hành chính công, thì câu hỏi cấp thiết không còn là “nên hay không nên dùng AI”, mà là "con người sẽ dùng AI theo cách nào để không làm tổn thương chính mình?”

Khoá học đầu tiên về đạo đức AI tại Việt Nam

Tại Việt Nam, AI đã được xác định là một trong những công nghệ lõi theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 (Quyết định 127/QĐ-TTg). Tuy nhiên, các khung đạo đức và hướng dẫn triển khai một cách có trách nhiệm vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Điều này tạo ra khoảng trống giữa sự phát triển công nghệ và năng lực kiểm soát rủi ro – đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên quy mô toàn quốc.

Nhằm thu hẹp khoảng trống đó, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) phối hợp cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức sự kiện là khóa học đầu tiên về Đạo đức AI tại Việt Nam. Chương trình diễn ra trong hai ngày 12 – 13/5 tại Hà Nội, được đánh giá là bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái AI có trách nhiệm, phù hợp với đặc thù pháp lý, văn hóa và xã hội của Việt Nam.

Đạo đức AI - Nền móng cho niềm tin trong thời đại số - Ảnh 1.

Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Giảng viên Viện ABAII chia sẻ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện ABAII, thành viên Hội đồng Đạo đức Tài sản số và Trí tuệ nhân tạo ABAII nhận định, việc phát triển AI có đạo đức là nhiệm vụ mang tính chiến lược, đặc biệt tại các quốc gia đang trong quá trình xây dựng hệ sinh thái công nghệ số như Việt Nam.

Trong bối cảnh thực tiễn đặt ra yêu cầu cần bồi dưỡng thế hệ chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý nhà nước, giảng viên, nhà nghiên cứu… cần có tư duy phản biện, hiểu biết pháp lý và cam kết đạo đức trong việc triển khai các giải pháp số. Từ đó sẽ hình thành mạng lưới nghiên cứu chuyên sâu, mở ra môi trường kết nối đa ngành và liên lĩnh vực nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần hỗ trợ chính sách và nâng cao năng lực phản ứng với các thách thức công nghệ trong thời gian tới.

"AI không nên thay thế con người mà phải nâng tầm con người và đạo đức AI không phải là lựa chọn, mà là nền móng của niềm tin xã hội trong kỷ nguyên số. Nếu không hành động ngay, chúng ta không chỉ chậm bước trong cuộc đua AI toàn cầu, mà còn có thể đánh mất niềm tin của chính người dân vào những hệ thống được gọi là thông minh", ông Thành cho biết.

Khóa học được truyền đạt bởi đội ngũ giảng viên là các chuyên gia đầu ngành; thiết kế nội dung dựa trên tiêu chuẩn quốc tế như khuyến nghị của UNESCO, OECD và các mô hình tiêu chuẩn đang được áp dụng tại Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á.

Theo Bà Elenita Tapawan, Giám đốc các Trung tâm Hoa Kỳ trong khu vực cho rằng, mấu chốt quyết định chính là cần đặt con người làm trung tâm, thay vì chỉ dựa vào máy móc

"Người dùng AI không nên chỉ tiếp nhận kiến thức chuyên môn, mà còn cần hình thành tư duy phản biện, cách tiếp cận nhân văn và có trách nhiệm khi phát triển và ứng dụng các hệ thống AI trong lĩnh vực của mình". bà Elenita chia sẻ.

Với 500 học viên tham gia tại Hà Nội và TP.HCM, khóa học sẽ này cung cấp cái nhìn toàn diện về các nguyên tắc đạo đức trong thiết kế, vận hành hệ thống AI, như: minh bạch, công bằng, trách nhiệm và tôn trọng quyền con người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước