(Hình ảnh minh họa về những vấn đề đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, phản ánh mối quan tâm về cách AI được phát triển và sử dụng trong xã hội)
Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn dần trở thành người bạn đồng hành trong nhiều lĩnh vực, câu hỏi về đạo đức trong phát triển AI ngày càng trở nên cấp thiết. Từ việc AI tham gia vào các quyết định y tế, pháp lý đến việc tạo ra nội dung sáng tạo, ranh giới giữa công nghệ và đạo đức đang bị thử thách. AI đã và đang thể hiện khả năng vượt trội trong nhiều lĩnh vực, từ chẩn đoán bệnh tật đến phân tích dữ liệu lớn. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đặt ra câu hỏi: liệu chúng ta có đang trao quá nhiều quyền lực cho một hệ thống không có cảm xúc và đạo đức?
Một trong những vấn đề nổi cộm là sự thiên vị trong dữ liệu huấn luyện AI. Nếu dữ liệu đầu vào chứa đựng định kiến, AI sẽ học và tái tạo những định kiến đó, dẫn đến các quyết định không công bằng. Ví dụ, một hệ thống AI tuyển dụng có thể ưu tiên nam giới nếu dữ liệu huấn luyện phản ánh sự thiên vị giới tính trong quá khứ. Ngoài ra, việc AI tham gia vào các quyết định quan trọng như chẩn đoán y tế hay phán quyết pháp lý cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm. Nếu AI đưa ra quyết định sai lầm, ai sẽ chịu trách nhiệm?
(Hình ảnh thể hiện sự cân bằng giữa lợi ích và đạo đức trong việc phát triển AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đạo đức trong tiến bộ công nghệ.)
Để đảm bảo AI phát triển theo hướng có lợi cho xã hội, cần thiết lập một khung đạo đức rõ ràng. Điều này bao gồm việc đảm bảo tính minh bạch trong cách AI đưa ra quyết định, khả năng giải thích các quyết định đó và việc kiểm soát con người trong các hệ thống AI quan trọng. Các tổ chức quốc tế như UNESCO đã đưa ra các khuyến nghị về đạo đức trong AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt con người ở trung tâm của sự phát triển công nghệ.
Công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, thường được ví như một mũi tên hướng thẳng về phía trước: nhanh, dứt khoát và không ngoái đầu. Trong khi đó, đạo đức lại giống một chiếc la bàn – không di chuyển, nhưng chỉ hướng. Câu hỏi là: nếu công nghệ cứ lao đi mà không có la bàn định hướng, liệu chúng ta đang tiến bộ hay đang lạc đường?
Thực tế, nhiều công nghệ AI hiện nay không phát triển trong môi trường có khung đạo đức rõ ràng. Các công ty chạy đua ra sản phẩm đầu tiên, tiên phong "chiếm lĩnh thị phần cảm xúc" người dùng – nhưng lại không ai chịu đứng lại để hỏi: "Cái này có nên làm không?" thay vì "Cái này có làm được không?"
Người ta nói, giáo dục con người là gieo mầm cho thế hệ tương lai. Vậy thì, dạy AI cũng giống như nuôi một đứa trẻ, chỉ khác là… nó có thể học 1 triệu bài học chỉ trong một đêm. Nếu dữ liệu huấn luyện chứa đầy nội dung độc hại, phân biệt, ngôn ngữ căm thù – thì chẳng có gì lạ khi AI trở nên "ngổ ngáo". Còn nếu dữ liệu chỉ được chọn lọc theo hướng quá an toàn, vô trùng – AI sẽ trở nên nhạt nhòa, thiếu sắc thái cảm xúc thật sự của con người.
Vì vậy, đào tạo AI không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là một vấn đề giáo dục nhân văn sâu sắc. Chúng ta không chỉ "code" AI, mà đang tạo ra một phần phản chiếu của chính mình trong máy móc.
AI trong y học đang giúp đỡ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, theo dõi bệnh nhân, phát hiện ung thư sớm và thậm chí viết báo cáo y khoa. Nhưng điều khiến nhiều người vẫn dè chừng, là: liệu một hệ thống không có cảm xúc có thể đưa ra quyết định nhân văn không?
(Hình ảnh mô tả ứng dụng của AI trong lĩnh vực y tế, từ chẩn đoán bệnh đến hỗ trợ điều trị, đồng thời đặt ra câu hỏi về đạo đức trong việc sử dụng AI trong chăm sóc sức khỏe.)
Trong một ca mổ khó, bác sĩ có thể lựa chọn chấp nhận rủi ro để giữ lại hy vọng cho bệnh nhân. AI thì sao? Nó sẽ chọn phương án có xác suất sống cao nhất – dù điều đó có nghĩa là "bỏ qua" trường hợp không có lợi về mặt số liệu.
Suy cho cùng, y học không chỉ là khoa học – mà còn là nghệ thuật đồng cảm. Mà đồng cảm, lại là thứ AI chưa bao giờ có.
Không ít người ví von: "AI lấy đi việc của tôi trước khi tôi kịp học cách sử dụng nó." Các công cụ như ChatGPT, Midjourney, Gemini đang khiến nhiều nghề viết lách, thiết kế, hỗ trợ khách hàng... lung lay. Doanh nghiệp thì vui – vì tiết kiệm được chi phí. Nhưng người lao động thì... chỉ biết "update CV" mỗi ngày với hy vọng không bị máy móc thay thế. Dĩ nhiên, mỗi cuộc cách mạng công nghệ đều làm mất một số việc cũ và tạo ra việc mới. Nhưng nếu không có lộ trình rõ ràng, sự đào tạo lại hợp lý và quan trọng nhất là sự công bằng trong chuyển đổi, AI không phải là công cụ phát triển – mà trở thành vũ khí "tàn phá nhẹ nhàng".
Bạn muốn một tin tức giật gân về UFO hạ cánh tại Đồng Nai? AI có thể viết xong trong 30 giây. Muốn ảnh minh họa? AI vẽ luôn cho bạn chiếc đĩa bay có cả biển số. Vấn đề là: tất cả đều không có thật.
AI có thể tạo ra tin tức giả tinh vi, khó phân biệt – và điều này đặt ra mối lo ngại về an ninh thông tin và sự thật trong xã hội. Khi con người không còn biết nên tin vào đâu, chúng ta đang bước vào một thời kỳ nhiễu loạn nhận thức. Dù báo chí chính thống vẫn giữ vai trò kiểm chứng, nhưng áp lực cạnh tranh với tốc độ AI tạo tin khiến nhiều cơ quan truyền thông dễ bị cuốn vào vòng xoáy "bấm nhanh – đăng trước – sửa sau".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!