Khoá học miễn phí ngắn hạn Prompt Engineering của Trường CNTT&TT nhận được sự quan tâm lớn từ các học viên ở nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau (Ảnh: SoICT)
Trước yêu cầu bức thiết về phổ cập kỹ năng số cho toàn dân, phong trào "Bình dân học vụ số" được kỳ vọng trở thành cú hích quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam. Trong hành trình ấy, các trường đại học, với thế mạnh về chuyên môn, công nghệ và đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đang giữ vai trò nòng cốt trong việc kiến tạo hệ sinh thái học tập mở, linh hoạt và bền vững.
TS. Phạm Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Giải pháp Chuyển đổi số trong Giáo dục (EdTech), thuộc Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội - chia sẻ với phóng viên VTV Times về các giải pháp triển khai hiệu quả phong trào "Bình dân học vụ số", đặc biệt là vai trò đồng hành, hỗ trợ của các trường đại học trong quá trình hiện thực hóa phong trào.
TS. Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Giải pháp Chuyển đổi số trong Giáo dục (EdTech), thuộc Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.
PV: Thưa TS. Phạm Huy Hoàng, theo ông, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, để hiện thực hóa các mục tiêu của phong trào "Bình dân học vụ số", nội dung đào tạo kỹ năng số nên được thiết kế như thế nào? Và đâu là yếu tố mang tính then chốt để phong trào "Bình dân học vụ số" có thể triển khai hiệu quả và bền vững?
TS. Phạm Huy Hoàng: Trước hết, tôi cho rằng, để triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" một cách hiệu quả, cần nhận thức đúng về mục tiêu và ý nghĩa của phong trào. Khái niệm "Bình dân học vụ số" có thể được hiểu theo hai tầng nghĩa. Một mặt, đó là phổ cập kiến thức và kỹ năng số cơ bản cho toàn dân. Mặt khác, đó còn là việc tận dụng các nền tảng số để truyền tải những kiến thức, kỹ năng thực tiễn, gắn với nhu cầu học tập, sinh hoạt và lao động hằng ngày của người dân.
Từ hai khía cạnh đó, nội dung đào tạo kỹ năng số cần được thiết kế theo hướng vừa thiết thực, vừa dễ tiếp cận. Về tính thiết thực, học liệu phải cung cấp những kỹ năng "sát sườn", gắn liền với các hoạt động thường nhật của người dân, chẳng hạn như cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, hay bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng,... Khi người dân nhận thấy kiến thức họ học có thể áp dụng ngay vào cuộc sống, họ sẽ có thêm động lực để tiếp tục học hỏi và làm chủ công nghệ.
Đồng thời, tính dễ tiếp cận và linh hoạt của hệ thống học liệu cũng là yếu tố không thể thiếu. Học liệu cần được phân tầng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từ học sinh, sinh viên, người lao động cho đến người lớn tuổi, với cấp độ từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, cần triển khai phong trào trên nhiều nền tảng, có thể kể đến các khóa đào tạo trực tuyến, các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs), các lớp học bình dân hoặc học trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội,... Mục tiêu là để người học có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, theo cách phù hợp với điều kiện và nhu cầu học tập của từng người.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để phong trào "Bình dân học vụ số" thực sự đi vào chiều sâu và tạo hiệu ứng lan tỏa bền vững vẫn nằm ở chất lượng nội dung học liệu. Câu hỏi lớn đặt ra là: làm sao để phát triển được những khoá học có tính ứng dụng cao, thiết kế trực quan, sinh động, để không chỉ giúp người dân cảm thấy tự tin khi sử dụng các thiết bị thông minh, mà còn trang bị kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân an toàn trong không gian số?
CLB Chuyển đổi số trong Giáo dục trực thuộc Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: SoICT)
Ông đánh giá thế nào về vai trò của các trường đại học, đặc biệt là các trường công nghệ, trong việc hỗ trợ triển khai và lan tỏa phong trào "Bình dân học vụ số" tới cộng đồng? Với riêng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà trường đã có những định hướng và giải pháp cụ thể nào trong việc xây dựng nội dung đào tạo hoặc hỗ trợ cộng đồng học tập kỹ năng số?
Tôi cho rằng, các trường đại học giữ vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phong trào "Bình dân học vụ số". Đây không chỉ là nơi sản sinh tri thức, dẫn dắt nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ và trí tuệ nhân tạo, mà còn sở hữu đội ngũ chuyên gia, giảng viên và sinh viên - lực lượng xung kích trong việc trực tiếp tham gia xây dựng học liệu, triển khai đào tạo và lan tỏa tri thức đến cộng đồng một cách bài bản, hiệu quả.
Đối với Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi nhận thức rõ vai trò này từ rất sớm và đã chủ động nghiên cứu, phát triển các giải pháp chuyển đổi số hướng đến phục vụ cộng đồng. Đơn cử, Trung tâm Công nghệ và Giải pháp Chuyển đổi số trong Giáo dục (EdTech) thuộc Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, đã phát triển thành công nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở daotao.ai.
Nền tảng daotao.ai thực chất đã được chúng tôi nghiên cứu và phát triển từ cách đây hơn 5 năm, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khi nhu cầu học tập từ xa và phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng trở nên cấp thiết. Ngay từ thời điểm đó, chúng tôi đã định hướng nền tảng theo mô hình các khóa học trực tuyến đại chúng mở, hướng đến phục vụ hàng triệu người học cùng lúc, với những nội dung thiết thực như lập trình dành cho trẻ em, hay nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trên môi trường số.
Khi Đề án 06 của chính phủ được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa daotao.ai trở thành nền tảng đào tạo trực tuyến cho hàng trăm nghìn cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 200.000 học viên đến từ tất cả các tỉnh, thành phố và các cơ quan, bộ ngành đã được đào tạo hoàn toàn miễn phí.
Trung tâm EdTech thuộc Trường CNTT&TT, ĐH BKHN phối hợp cùng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" tại Hà Nam ngày 1/4/2025 (Ảnh: SoICT)
Đến nay, chúng tôi kỳ vọng daotao.ai có thể tiếp tục mở rộng và phục vụ đông đảo người dân trên cả nước. Nền tảng hiện đã được tích hợp thêm nhiều công nghệ tiên tiến, bao gồm hệ thống định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an, công nghệ giám sát khuôn mặt, tổng hợp tiếng nói bằng AI, cũng như ứng dụng blockchain trong cấp phát và lưu trữ dữ liệu,...
Song song với đó, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức hàng loạt khóa học miễn phí phục vụ cộng đồng. Các khóa học này được thiết kế bám sát nhu cầu thực tiễn, tập trung vào những kỹ năng cốt lõi như: "Nâng cao nhận thức về an toàn trong không gian số", "An ninh mạng", "An toàn thông tin cá nhân", "Kỹ thuật lập trình cơ bản", hay mới nhất là khóa "Prompt Engineering" - trang bị cho người học năng lực tương tác hiệu quả với các mô hình AI để khai thác tối đa tiềm năng công nghệ.
Thưa ông, đâu là cách tiếp cận hiệu quả để giám sát và đo lường chất lượng thực sự của các chương trình đào tạo trực tuyến trong khuôn khổ phong trào "Bình dân học vụ số"?
Trong quá trình triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến, tôi nhận thấy rằng, dù có sử dụng các công cụ quản lý và giám sát hiện đại, yếu tố quyết định vẫn là ý thức tự giác và tinh thần tự nguyện của người học. Nếu người học nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của việc học, thì chất lượng học sẽ được nâng cao một cách tự nhiên.
Về mặt đo lường hiệu quả, tôi tin rằng chúng ta có thể đánh giá gián tiếp qua một số chỉ số rõ ràng và thực tế. Chẳng hạn, số lượng người dân sử dụng thành thạo các dịch vụ công trực tuyến gia tăng; các vụ lừa đảo và sự lạm dụng trên không gian mạng giảm đi đáng kể; hay sự đóng góp của nền kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế của đất nước được thể hiện ngày càng rõ nét sau phong trào "Bình dân học vụ số".
Nền tảng bình dân học vụ số có địa chỉ tại: https://binhdanhocvuso.gov.vn
Theo ông, cần có cơ chế phối hợp ra sao giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để phong trào "Bình dân học vụ số" có thể lan tỏa sâu rộng và phát huy hiệu quả bền vững?
Qua kinh nghiệm triển khai các phong trào đào tạo trước đây, chúng tôi nhận thấy rằng với các chương trình quy mô nhỏ, nhà trường có thể đảm nhận vai trò hỗ trợ cộng đồng một cách phi lợi nhuận, điều này đặc biệt đúng đối với các nền tảng giáo dục số như daotao.ai. Thời gian đầu, nền tảng của chúng tôi đã chứng minh được hiệu quả trong việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ. Tuy nhiên, khi phong trào "Bình dân học vụ số" được triển khai ở cấp độ quốc gia, bài toán đặt ra là làm sao để duy trì hệ thống này vận hành bền vững?
Tôi cho rằng rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ba bên: nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Trong đó, doanh nghiệp cần đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp công nghệ và nguồn lực. Chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo ra các lộ trình pháp lý phù hợp, giúp khơi thông nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để các nền tảng giáo dục số có thể duy trì hoạt động lâu dài.
Cán bộ, giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân tham gia thực hành Prompt Engineering tại Trường CNTT&TT, ĐH BKHN vào ngày 26/2/2025 (Ảnh: SoICT)
Một trong những mô hình khả thi là việc triển khai các khóa học trực tuyến dành cho doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan, bộ ngành, xây dựng trên nền tảng các chương trình tập huấn trực tiếp. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí tổ chức truyền thống, mà còn cho phép tái đầu tư một phần kinh phí đó vào việc duy trì và mở rộng các khóa học mang đậm màu sắc "bình dân học vụ", miễn phí cho cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!