Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Bác Hồ trong thời đại số

Thu Trang-Chủ nhật, ngày 11/05/2025 20:26 GMT+7

bangdatally.xyz - 80 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào “Bình dân học vụ”, một cuộc cách mạng tri thức chưa từng có trong lịch sử dân tộc.

Với quyết tâm "diệt giặc dốt" bên cạnh giặc đói và giặc ngoại xâm, Bác Hồ khẳng định: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Và từ đó, tư tưởng "học để biết, biết để làm" được lan tỏa như một ánh sáng dẫn đường cho công cuộc phát triển đất nước. Đến nay, khi nhân loại bước vào kỷ nguyên số, tư tưởng ấy vẫn giữ nguyên giá trị, thậm chí còn sáng rõ hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, bên cạnh biết chữ, người dân thời đại mới còn cần được trang bị khả năng sử dụng công nghệ, tiếp cận không gian số, dịch vụ số và kiến thức số.

Từ xóa mù chữ đến xóa mù công nghệ

Trong bài viết Chữ Quốc ngữ và chúng ta (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Người Việt Nam ta ai cũng phải biết đọc, biết viết. Như thế nước ta mới tiến bộ kịp các nước". Đây không chỉ là lý tưởng giáo dục, mà là một tuyên ngôn về quyền con người trong việc tiếp cận tri thức. Dưới sự lãnh đạo của Bác, phong trào Bình dân học vụ đã huy động hàng triệu người dân tham gia xóa mù chữ. Chỉ trong vòng một năm, hơn 2,5 triệu người trưởng thành đã biết đọc, biết viết, một kỳ tích được ghi nhận trong bối cảnh đất nước còn chìm trong nghèo đói, chiến tranh, thiếu thốn.

Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Bác Hồ trong thời đại số - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh - Lâm Đình Thắng - và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh - NguyễnThành Trung - ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” (Ảnh: Thu Trang)

Tư tưởng tri thức là quyền cơ bản, chứ không phải đặc quyền, tiếp tục được kế thừa trong thế kỷ 21. Ngày nay, khi công nghệ là nền tảng cho mọi mặt đời sống, thì "mù công nghệ" đang trở thành rào cản mới. Và giống như cách đây 80 năm, cả hệ thống chính trị đang phát động một cuộc "xóa mù" hiện đại mang tên Bình dân học vụ số.

Tại tọa đàm Giải pháp thực hiên Bình dân học vụ số trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức, nhiều đại biểu khẳng định: Bình dân học vụ số không chỉ là sáng kiến, mà là chiến lược dài hạn nhằm phổ cập kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động phổ thông.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: "Phong trào Bình dân học vụ số không chỉ là dạy cách dùng điện thoại hay internet, mà sâu xa hơn, là trao quyền công nghệ cho người dân. Giúp họ tự tin tham gia không gian mạng, sử dụng dịch vụ công, tiếp cận tri thức số và cải thiện sinh kế".

Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Bác Hồ trong thời đại số - Ảnh 2.
Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Bác Hồ trong thời đại số - Ảnh 3.

Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phổ cập kiến thức số cho người dân (Ảnh: Thành đoàn)

Với vai trò đầu tàu kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, TP Hồ Chí Minh đã chủ động khởi động phong trào Bình dân học vụ số từ giữa năm 2025, với sự vào cuộc đồng bộ của Ủy ban MTTQ, Sở Khoa học và Công nghệ, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ và nhiều tổ chức chính trị - xã hội. Ba trụ cột được xác định rõ ràng: tổ chức thực thi hiệu quả tại cơ sở, xây dựng chương trình huấn luyện phù hợp, và huy động lực lượng thanh niên - sinh viên làm nòng cốt.

Công nghệ phải đi từ nhu cầu thiết thực của người dân

Một trong những điểm sáng được nhấn mạnh trong tọa đàm là triết lý "dạy cái người dân cần, theo cách người dân hiểu và sẵn sàng tiếp nhận". Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Hòa, cho rằng, nói đến "bình dân" tức là nói đến cộng đồng. "Điều quan trọng là phải xác định đúng nhu cầu số của từng cộng đồng. Nếu đi vào đúng mối quan tâm thiết thực nhất, thì khả năng thành công sẽ rất cao".

Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Bác Hồ trong thời đại số - Ảnh 4.

Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Thanh Hòa - phát biểu tại Tọa đàm

Điều này cũng được thể hiện qua đề xuất của ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở UBND Phường 14 - Quận 5, cần xây dựng một ứng dụng tích hợp các nội dung tuyên truyền, dịch vụ thiết yếu, thanh toán điện nước… nhằm giúp người dân chỉ cần làm quen một lần, nhưng sử dụng được nhiều tiện ích.

Đồng tình với ý kiến trên bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh -  cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh truyền thông để người dân sử dụng app "Công dân TP Hồ Chí Minh" như một nền tảng duy nhất tích hợp mọi dịch vụ số. "Không chỉ cung cấp thông tin chính thống, app còn phải có chức năng lắng nghe, khảo sát nhu cầu của người dân để tiếp tục hoàn thiện", bà Thanh bày tỏ quan điểm.

Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Bác Hồ trong thời đại số - Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh - Trần Thị Huyền Thanh - cho rằng, nên vận động để 100% người dân thành phố sử dụng app Công dân TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thu Trang)

Với vai trò là lực lượng tiên phong, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh sẽ đưa chiến dịch Thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất trong chương trình Tình nguyện hè 2025. "Chúng tôi cần Sở Khoa học và Công nghệ đưa ra khung chương trình cụ thể để đoàn viên thanh niên triển khai hỗ trợ hiệu quả. ở các quận, huyện, phường, xã. Mỗi nhóm đối tượng cần một phương pháp truyền đạt khác nhau", Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Trương Minh Tước Nguyên để xuất.

PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất nên phát triển kho học liệu mở với video, infographic, bài giảng số để người dân học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. "Người Việt Nam vốn ham học, chỉ cần có động lực và công cụ phù hợp là họ sẽ học rất nhanh".

Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Bác Hồ trong thời đại số - Ảnh 6.
Tư tưởng “Bình dân học vụ” của Bác Hồ trong thời đại số - Ảnh 7.

TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt triển khai chiến dịch "xóa mù" công nghệ (Ảnh: Thành đoàn)

Từ xóa mù chữ đến xóa mù số, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đèn soi đường cho mọi cuộc cách mạng tri thức của Việt Nam. Bình dân học vụ số hôm nay không chỉ là một sáng kiến giáo dục mà là hành động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, công bằng và nhân văn.

Với quyết tâm cao, sự chung tay của các đoàn thể và tinh thần ham học sẵn có trong mỗi người dân Việt Nam, cuộc "cách mạng số" đang được viết tiếp, như một chương mới của hành trình tri thức mà Bác Hồ đã mở ra từ năm 1945.

Quảng Bình: Phát động phong trào 'Bình dân học vụ số' Quảng Bình: Phát động phong trào "Bình dân học vụ số" TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai 'Bình dân học vụ số' TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai "Bình dân học vụ số" “Bình dân học vụ số”- Chìa khóa của kỷ nguyên số “Bình dân học vụ số”- Chìa khóa của kỷ nguyên số

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước