Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình, thảo luận và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Sau đó, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; (iii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (iv) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Áp dụng cơ chế đặc biệt để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam
Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội đưa ra nhiều sửa đổi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Để triển khai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được thuận lợi, Dự thảo Luật cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để triển khai nhanh, như áp dụng cơ chế đặc biệt trong chỉ định thầu, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của người bán, dự án có khoản chi cho thẩm định và đào tạo. Quản lý toàn bộ vòng đời, qua nhiều giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân, từ khâu chọn vị trí, nghiên cứu khả thi, đến giai đoạn đóng cửa, sau đóng cửa. Đây là cách tiếp cận toàn diện, theo kinh nghiệm quốc tế và là cần thiết.
Đảm bảo an toàn, an ninh cho các cơ sở hạt nhân, trong đó có nhà máy điện hạt nhân, trong Dự thảo Luật đã thiết kế một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy. Xây dựng các biện pháp và năng lực ứng phó sự cố. Xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hạt nhân, vì ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày càng rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội.
Dự thảo Luật cũng đáp ứng khung pháp lý cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bao gồm phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh đã được thể hiện xuyên suốt cho từng đối tượng quản lý từ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ cho đến vật liệu hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, bổ sung quy định về danh mục hàng hóa phải kiểm xạ khi nhập khẩu.
Thêm vào đó, việc quy định một chương riêng về Thanh sát hạt nhân đã thể hiện vai trò phối hợp kiểm soát của IAEA để bảo đảm các hoạt động hạt nhân ở Việt Nam vì mục đích hòa bình, cũng như trách nhiệm tuân thủ các cam kết, nghĩa vụ quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn triển khai xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và sắp tới là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!