Không thể thu hút được người tài năng khi so sánh thu nhập
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) chiều 14/5, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến về các chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, nội dung "thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp với khả năng ngân sách và thẩm quyền quản lý của cán bộ, công chức theo phân cấp" khó khả thi trên thực tế.
Theo đó việc tuyển dụng, thu hút được người tài năng vào làm việc sẽ khó khăn do không đủ nguồn kinh phí để chi trả.
Đại biểu chi ra rằng, mức lương 6,8 triệu đồng/tháng cho cán bộ, công chức mới vào, bao gồm cả 25% tiền công vụ, chưa tính các loại bảo hiểm phải chi trả như thế thì không đủ để trang trải chi phí cho cuộc sống tối thiểu, chưa kể có thêm vợ hoặc chồng, con, đặc biệt là sống ở các thành phố lớn thì khả năng khó khăn hơn rất nhiều.
"Như thế thì không thể thu hút được người tài năng vào các cơ quan làm việc để cống hiến và khi so sánh với mức thu nhập thực tế ở các khu vực tư nhân, các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chênh lệch thu nhập có thể gấp từ 3 đến 10 lần, khiến người tài năng có thể dễ dàng lựa chọn khu vực ngoài nhà nước", ông Bình chia sẻ.
Đại biểu cũng chỉ ra rằng, Nghị quyết số 275/2018/QH14 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng trả lương theo vị trí làm thực hiện triển khai còn chậm do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là khó khăn về nguồn lực và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành.
"Nếu không sớm áp dụng hệ thống tiền lương mới, chúng ta sẽ khó tạo được môi trường lành mạnh cho việc cạnh tranh minh bạch, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của bộ máy công vụ", đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Cần đánh giá người tài nên dựa trên sản phẩm
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (tỉnh Bình Dương) kiến nghị cần có cơ chế đột phá lâu dài hơn, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công. Do đó, khái niệm "người tài năng" cần được bổ sung vào phần giải thích từ ngữ, đối với từng ngành, từng lĩnh vực cần có quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (tỉnh Bình Dương)
Đại biểu đề nghị bổ sung sửa đổi tại khoản 1 Điều 5 dự thảo luật như sau: "Nhà nước có chính sách đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và có chính sách đặc biệt cho các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên sâu cho nền công vụ quốc gia".
Đại biểu cũng nhấn mạnh tiêu chí đánh giá người tài nên dựa trên những sản phẩm, những công trình, những dự án cụ thể thay vì chỉ bằng cấp. Đồng thời nghiên cứu, xem xét có chế độ, chính sách lương và ưu đãi tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao cho cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu của Đảng, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cao cấp, công chức xuất sắc ở trung ương và địa phương tương đương và không thấp hơn khu vực tư để giữ chân nhân tài. Đây là động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Bên cạnh chính sách thu hút người có tài năng, Nhà nước cần có cơ chế chủ động từ sớm trong chính sách đầu tư cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng công vụ một cách chuyên nghiệp của quốc gia, nhất là các học viện, các trường đại học đào tạo công chức ngang tầm khu vực và quốc tế.
Xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt
Cũng liên quan đến chính sách cho người tài năng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cũng đánh giá chính sách phát hiện và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ là một nội dung được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.
Đại biểu cho rằng, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả thì cần nhìn nhận rõ một số vấn đề sau, đó là tài năng trong hoạt động công vụ, là một dạng tài năng rất đặc thù, không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương)
"Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp hay qua các kỳ thi hình thức, người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công. Muốn thu hút và giữ chân người tài thì những ưu đãi không chỉ dừng ở mức độ tiền lương, điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng", đại biểu tỉnh Hải Dương nhấn mạnh.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ hơn một số cơ chế then chốt liên quan đến phát hiện và trọng dụng nhân tài ở trong khu vực công đó là thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và theo hiệu quả công vụ chứ không chỉ dựa vào hình thức hay quy trình. Bên cạnh đó, cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt là ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới.
Ngoài ra, cần trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài nhưng đồng thời phải đi kèm với cơ chế giám sát, đánh giá khách quan. Bên cạnh đó là đào tạo chuyên sâu, đội ngũ tinh hoa cho lực lượng công chức bắt đầu từ bậc đại học.
"Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không thể chỉ dựa vào các khẩu hiệu chung chung. Chúng ta cần một nền công vụ có khả năng tuyển chọn được người tốt, giữ được những người giỏi và loại bỏ được những người yếu kém, dù họ đang ở cấp nào trong hệ thống, nhất là trong bối cảnh đổi mới tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị như hiện nay. Trước những thay đổi lớn của đất nước, lực lượng cán bộ, công chức sẽ không tránh khỏi những tâm tư lo lắng. Có thể nói, đây vừa là thời điểm vàng để chúng ta lựa chọn những người thực sự có năng lực ở lại trong hệ thống, vừa là thời điểm mà chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến các chế độ, chính sách đối với lực lượng cán bộ công chức", bà Nga nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!