Đề nghị sửa đổi, bổ sung 23/58 điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội
Ngày 15/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Tờ trình nêu rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội nhằm hoàn thiện thể chế góp phần thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng. Việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2022 là cần thiết để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành, bảo đảm đồng bộ để triển khai hiệu quả, thông suốt hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đề xuất phạm vi sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội tập trung vào 3 nhóm nội dung chủ yếu:
(1) Sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với Luật số 62/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết có liên quan về tổ chức bộ máy.
(2) Sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm sự phù hợp và tương thích với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15.
(3) Sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
Về bố cục và nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung 23/58 điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và bổ sung 1 điều mới.
Trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với Luật số 62/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết của Quốc hội về tổ chức bộ máy cũng như sửa đổi quy định về kỳ họp bất thường thành kỳ họp không thường lệ.
Về phiên họp toàn thể và thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội (Điều 17, Điều 18 và một số điều có liên quan của Nội quy hiện hành), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng:
- Quy định thời gian trình bày tờ trình, báo cáo không quá 7 phút, trừ trường hợp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội để bảo đảm việc trình bày tờ trình, báo cáo phải ngắn gọn, súc tích;
- Quy định: (i) Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp; (ii) thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội mỗi lần không quá 5 phút; đồng thời, căn cứ diễn biễn phiên họp, Đoàn Chủ tịch có quyền đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời gian phát biểu của mỗi đại biểu.
Nhiều ý kiến về việc rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội
Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Hồ sơ dự án Nghị quyết bảo đảm đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý quy định về trách nhiệm báo cáo xin phép của đại biểu Quốc hội trong trường hợp không thể tham dự kỳ họp Quốc hội, phiên họp theo chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm quy trình thực hiện đơn giản, thuận lợi hơn; đại biểu Quốc hội có thể thực hiện qua App Quốc hội để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Đề nghị tiếp tục giữ quy định về trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp theo quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành, không nên thay bằng quy định về Đoàn chủ tịch để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội về trách nhiệm chủ tọa các phiên họp của Quốc hội và thực tiễn tổ chức, điều hành các phiên họp toàn thể của Quốc hội tại kỳ họp trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua.
Về việc rút ngắn thời gian phát biểu lần thứ nhất của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể từ không quá 7 phút xuống còn không quá 5 phút, bên cạnh các ý kiến tán thành với quy định như dự thảo Nghị quyết để tạo điều kiện cho nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu tại các phiên họp toàn thể, đồng thời phù hợp với thông lệ hoạt động của Quốc hội, Nghị viện nhiều nước trên thế giới và thực tiễn tiến hành các phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội nước ta thời gian qua, có ý kiến cho rằng, việc rút ngắn thời gian phát biểu lần đầu của đại biểu Quốc hội từ không quá 7 phút (theo quy định hiện hành) xuống còn không quá 5 phút và căn cứ vào diễn biến phiên họp, thời gian phát biểu lần đầu còn có thể rút ngắn hơn là không thực sự phù hợp, không đủ thời gian để đại biểu Quốc hội trình bày hết ý kiến của mình.
Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn là để bảo đảm thống nhất với các luật, nghị quyết mới được Quốc hội ban hành. Do đó, đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết ngay tại thời gian đầu của đợt 2 Kỳ họp thứ 9 và Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay, làm cơ sở cho việc Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!